Gần đây, tỷ giá VND/USD tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Với tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm giảm nhiệt tỷ giá.
Tỷ giá tăng
Từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá VND/USD tăng mạnh ở cả hai chiều mua và bán. Cụ thể, tỷ giá VND/USD niêm yết tại Vietcombank Khánh Hòa ngày 1-6 ở mức 22.765 – 22.835 VND/USD; đến ngày 19-7 đạt 23.000 – 23.080 VND/USD (vượt qua mốc 23.000 VND/USD), tăng 335 VND/USD (+1,5%) so với cuối năm 2017. Trong sáng 23-7, Vietcombank Khánh Hòa đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Theo đó, giá giao dịch USD niêm yết lúc đầu giờ là 23.010 đồng (mua vào) – 23.090 đồng (bán ra); sau đó điều chỉnh lần lượt là 23.000 đồng – 23.080 đồng và 23.150 đồng – 23.230 đồng.
Theo bà Lê Thị Kim An – Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng Vietcombank Khánh Hòa, trong tháng 6 và tháng 7, tỷ giá tăng có tác động nhất định đến việc mua bán ngoại tệ tại ngân hàng. Khoảng 1 tháng gần đây, xu hướng rút tiền mặt USD của khách hàng tăng hơn trước. Tuy nhiên, Vietcombank Khánh Hòa vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng; ngoài ra, chi nhánh cũng là đầu mối về cung cấp ngoại tệ tiền mặt cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, 6 tháng, lượng giao dịch USD tại chi nhánh đạt 176 triệu USD, tăng 36 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2017. Còn theo đại diện BIDV Khánh Hòa, doanh số mua bán USD 6 tháng đầu năm là 136 triệu USD; trong đó, doanh số mua vào lớn hơn bán ra và chi nhánh đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Diễn biến tỷ giá tăng tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là các khoản công nợ bằng ngoại tệ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thực phẩm Biển Việt (chuyên xuất khẩu thủy sản; nhập khẩu, phân phối, sản xuất hàng bảo hộ lao động, trang thiết bị thủy sản), bình quân mỗi tháng, giá trị nhập khẩu của công ty từ 250.000 đến 300.000 USD. Năm 2017, doanh thu của đơn vị đạt 15 triệu USD, trong đó 12 triệu USD từ xuất khẩu và 3 triệu USD từ nhập khẩu. Bà Nguyễn Trần Linh Giang – Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Thực phẩm Biển Việt cho biết, nếu tính bình quân quý 1/2018, giá USD dao động quanh mức 22.700 đồng/USD thì hiện nay đã hơn 23.000 đồng/USD. Tình trạng tăng giá USD như thời gian gần đây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty, do giá USD tăng làm cho giá đầu vào của hàng hóa (nhập khẩu) tăng theo. Do nhiều đơn hàng ký từ đầu năm với giá ổn định, doanh nghiệp không lường được phần rủi ro biến động tỷ giá lớn như hiện nay nên công ty không thể tăng liền giá bán sản phẩm cho khách hàng. Điều này làm lợi nhuận của công ty giảm một cách đáng kể. 3 tháng vừa qua, công ty vẫn giữ giá bán nhưng nếu tình hình này tiếp tục tái diễn, đơn vị phải cân nhắc biện pháp tăng giá, dù có thể ảnh hưởng đến lượng khách hàng. Trong điều kiện doanh nghiệp phải dùng VND mua USD để thanh toán nhập khẩu, thì giá còn cao hơn nhiều vì chênh lệnh giá mua vào, bán ra.
Hạn chế tỷ giá biến động mạnh
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng gần đây là đồng USD trên thị trường thế giới tăng mạnh kể từ giữa tháng 4 đến nay (tăng gần 6% so với đầu năm), do sự hồi phục của kinh tế Mỹ và Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất và có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay; đồng thời, lãi suất huy động VND giảm cũng gây sức ép lên tỷ giá. Với những biến động của đồng USD trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nửa đầu tháng 7, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát thông điệp sẵn sàng bán ra ngoại tệ giá thấp hơn trần biên độ, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu đăng ký mua và Ngân hàng Nhà nước đã bán ra ngoại tệ nhằm hạn chế biến động mạnh của tỷ giá USD.
NAM DU
6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua vào khoảng hơn 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng trên 63,5 tỷ USD.
Tình hình mua, bán ngoại tệ (quy đổi USD) của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm: tổng mua 498,47 triệu USD; tổng bán 149,12 triệu USD (chênh lệch mua – bán 349,35 triệu USD). Lượng ngoại tệ mua vào nhiều hơn lượng ngoại tệ bán ra như trên chứng tỏ các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp, cá nhân.
Tỷ giá trung tâm ngày 23-7 được công bố ở mức 22.644 đồng, tăng cao so với thời điểm cuối năm 2017 nhưng giảm nhẹ so với ngày 20-7 (22.660 đồng).
Theo: Báo Khánh Hòa