Bảo tàng Hải dương học, Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) vừa đưa phòng trưng bày giảm thiểu rác biển vào hoạt động. Mục tiêu của phòng trưng bày là nhằm truyền thông đến du khách và người dân ở tỉnh về những nguy hại của rác biển, đặc biệt là rác nhựa.
Nằm ngay lối vào đầu tiên ở bảo tàng, phòng trưng bày được bố trí trên diện tích rộng khoảng 25m2, bên trong là những tấm pano giới thiệu rất cụ thể về sự nguy hại của rác biển. Khi bước vào khu vực này, du khách sẽ biết được nguồn gốc của rác biển, hàng năm biển phải hứng chịu bao nhiêu tấn rác do con người xả ra; mất bao lâu rác mới có thể phân hủy, trong đó, rác có chất nhựa đe dọa như thế nào đến sự an toàn và môi trường biển. Du khách còn biết được tác hại của rác biển ảnh hưởng ra sao đến chuỗi thức ăn trong lòng đại dương và đến sức khỏe con người, đến sự phát triển kinh tế – xã hội và để giữ gìn một đại dương xanh con người cần phải làm gì…
Đặc biệt, ở giữa phòng có trưng bày mô hình con rùa biển được làm từ những thanh thép, bên trong chứa đủ các loại rác ở biển như: bao ni lông, hộp xốp đựng thức ăn, các chai lọ làm bằng nhựa, các lon sữa bằng nhôm, thiếc, lon, chai bia… Ở bên ngoài, con rùa biển được bọc bằng tấm lưới ngư cụ, gợi tưởng về hình ảnh những tấm lưới bị hỏng, lưới bị cuốn trôi đang trở thành loại rác biển nguy hiểm gây chết cho các loài sinh vật ở đại dương khi bị mắc phải.
Vừa hoạt động hơn 1 tháng, nhưng phòng trưng bày giảm thiểu rác biển thu hút khá nhiều du khách đến xem. Chị Celine Lin (du khách Đài Loan) cho biết, chị khá ấn tượng về những thông tin phòng trưng bày đưa ra, nhất là mô hình con rùa biển rất hay, nói lên tất cả các thông điệp cần truyền tải. Em Nguyễn Thái Bảo (tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Quê em cũng có biển, nhưng từ trước đến nay không biết nhiều về những tác hại của rác biển. Bây giờ hiểu rồi, em sẽ không vứt rác ra sông, suối, biển nữa”.
10 loại rác thường gặp trên biển: đầu thuốc lá, chai nước giải khát nhựa, nắp chai nhựa, giấy hoặc túi bọc thức ăn, túi ni lông, nắp hộp nhựa, ống hút, chai thủy tinh, các loại túi nhựa khác, hộp xốp. Trong đó, mất khoảng 1 triệu năm chai thủy tinh mới được phân hủy, dây câu cá mất đến 600 năm, chai nhựa và tã lót mất đến 450 năm, lon nhôm mất 200 năm, hộp xốp mất 50 năm, túi ni lông mất 10 – 20 năm… Hầu hết rác nhựa không bao giờ phân hủy hoàn toàn, chúng chỉ phân cắt thành những hạt nhựa có kích thước rất nhỏ, 1 phần chúng sẽ chìm xuống đáy đại dương, 1 phần chúng được một số loại vi sinh vật nhỏ hấp thu vào cơ thể, theo chuỗi thức ăn nhựa sẽ đi vào cơ thể con người. |
Theo Ủy ban châu Âu, đại dương chiếm 3/4 diện tích trái đất, là huyết mạch của trái đất cung cấp nguồn lương thực cho con người hàng ngàn đời, nhưng đại dương đang bị đầu độc với hàng triệu tấn rác do con người thải ra mỗi năm, đặc biệt rác nhựa. Hàng năm, có khoảng 10 triệu tấn rác xả ra biển, tương đương với việc mỗi phút có 1 xe tải rác đổ ra biển hoặc mỗi giây có 400kg rác vứt xuống biển. Ước tính đến năm 2050, lượng rác nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương và khoảng 99% chim biển sẽ ăn phải rác nhựa.
Thiệt hại do rác biển gây nguy hại cho hơn 600 loài hải sản, 15% số loài ở biển sẽ bị ảnh hưởng do ăn phải rác nhựa, các hệ sinh thái biển (rạn san hô, cỏ biển,…) có thể chết vì bị rác nhựa bao phủ. Tình trạng vứt bỏ rác nhựa ra đại dương còn làm giảm sút lượng khách du lịch và tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Đáng báo động, có 60% nguồn thức ăn đạm động vật của con người đến từ các loài sinh vật biển. Trong khi đó, các độc tố và mầm bệnh trong rác nhựa có thể theo chuỗi thức ăn tồn động trong cơ thể các loài sinh vật biển, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các loại sinh vật đó.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngân – Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường, Bảo tàng Hải dương học chia sẻ: “Trước thực trạng báo động trên, mùa hè năm nay, Ủy ban châu Âu đã phát động chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề rác biển. Hưởng ứng chiến dịch này, Bảo tàng Hải dương học xây dựng phòng trưng bày trên với mục đích nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hạn chế lượng rác biển, tăng cường sử dụng các vật liệu có thể tái sử dụng. Điều này rất cần thiết, bởi Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác nhựa thải ra biển”.
Để tuyên truyền sâu rộng những thông điệp trên đến với cộng đồng, dự kiến trong thời gian tới, Viện Hải dương học sẽ phối hợp với các trường học tổ chức đưa học sinh đến đây để tham quan, tìm hiểu, trước mắt sẽ áp dụng cho những trường học ở những vùng ven biển của TP. Nha Trang.
Cát Đan
Theo: Báo Khánh Hòa