Vì “trót đam mê”, ông Nguyễn Văn Tưởng, ngụ TP Nha Trang, đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng để xây dựng riêng cho mình một bảo tàng Trầm Hương nhằm giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến “Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về”.

Khoảng 5.000 tư liệu

Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 2,2 ha ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Trong đó, nhà trưng bày khoảng 5.000 m2, có khả năng đón khoảng 2.000 khách tham quan/giờ. Bảo tàng được chia thành nhiều chủ đề như: giới thiệu chung về nét đẹp Việt Nam, những nghiên cứu của thế giới về trầm hương, bản đồ phân bố và nguồn gốc trầm hương, trầm hương gắn với tín ngưỡng trên toàn thế giới, những sản phẩm của trầm hương, không gian cầu may, không gian thưởng thức hương đạo…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Tư nhân làm bảo tàng hơn 200 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bảo tàng tư nhân về trầm hương dù chưa hoàn thành nhưng đã được nhiều người đến tham quan

Theo ông Tưởng, chỉ riêng phần đầu tư cơ sở vật chất, ông đã bỏ ra gần 200 tỉ đồng. Còn những tư liệu về tranh – ảnh, ông phải mua bản quyền hoặc được rất nhiều bạn bè giúp đỡ trong khoảng thời gian 6-7 năm. Hiện nay, ông Tưởng đã có khoảng 10.000 tư liệu, trong đó trưng bày khoảng 5.000 tư liệu tại bảo tàng.

Mặc dù chưa khai trương nhưng ngoài những danh thắng, di tích hiện có ở TP Nha Trang thì Bảo tàng Trầm Hương của ông Tưởng đã được nhiều đơn vị lữ hành du lịch biết đến như một địa chỉ văn hóa, nơi giới thiệu về vùng đất Khánh Hòa. Tất tả đón đoàn khách từ 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào tham quan, người chủ bảo tàng hào hứng giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ của trầm hương, cũng như những giá trị về vật chất và tinh thần mà nó mang lại cho con người.

Nói về ý tưởng xây dựng bảo tàng, ông Tưởng cho biết: “Trầm hương, mà cao hơn là kỳ nam, là niềm đam mê của tôi. Khi tiếp xúc với trầm, kỳ, mùi hương làm cho tâm hồn người tĩnh lại, hướng thiện, cảm thấy vị tha hơn. Từ xa xưa, tất cả tôn giáo đều coi trầm hương là linh khí của trời đất. Còn Khánh Hòa được cả thế giới công nhận là xứ sở có trầm hương tốt nhất. Do vậy, mong muốn giới thiệu một cách bài bản về văn hóa đặc trưng của vùng đất này đến người dân trong nước và thế giới, tôi cho rằng cần phải có không gian đủ lớn. Từ đó, ý tưởng xây dựng bảo tàng được ấp ủ từ nhiều năm trước bây giờ mới thực hiện được”.

Sẽ sống được!

Theo các công ty lữ hành, hiện du khách, nhất là khách Trung Quốc, rất yêu thích trầm kỳ, họ muốn tìm hiểu về loại đặc sản này. Ông Trần Văn Minh, du khách từ TP HCM, cho rằng trầm kỳ là hương liệu quý, đem lại may mắn. Nhiều doanh nghiệp ở TP HCM có thể bỏ hàng trăm triệu đồng để mua sản phẩm từ trầm kỳ nhưng không phải ai cũng am hiểu hết về sản vật được cho là linh khí của trời đất này.

Trong ngày 14-9, đoàn cán bộ và doanh nghiệp du lịch 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham quan, học tập mô hình du lịch ở Khánh Hòa đã đến bảo tàng trầm hương độc nhất Việt Nam này. Sau khi tham quan, ông Phạm Thế Triệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, nhận xét: “Việc xây dựng được bảo tàng tư nhân giới thiệu về sản vật đặc trưng của một vùng đất là điều rất tuyệt vời. Ở nhiều nước, bảo tàng tư nhân gắn với các hoạt động du lịch đã thu được nhiều thành công. Theo tôi, việc đầu tư bảo tàng này là đúng xu thế. Tuy nhiên, vốn đầu tư một bảo tàng không phải nhỏ. Để bảo tàng phát huy hiệu quả thì chúng ta nên kết nối được với các công ty lữ hành để có thể nuôi sống nó. Muốn làm phải có đề án và luận chứng kinh tế, được nghiên cứu kỹ càng chứ không phải dễ”.

Ông Nguyễn Văn Tưởng cho rằng công sức và tiền của để xây bảo tàng rất lớn nhưng sẽ “sống được” nếu cơ quan chức năng và chính quyền ủng hộ. Việc thu hồi vốn có thể dựa vào 2 hình thức là bán vé tham quan hoặc bán sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, ông hướng đến hình thức thứ 2 nhiều hơn. “Để quảng bá giá trị của trầm hương, kỳ nam, tôi không nghĩ mình bán vé mà sẽ miễn phí cho tất cả mọi người. Cái tôi hướng đến là kinh tế tri thức, sản phẩm gắn liền với văn hóa đặc trưng và du lịch. Trước mắt, tôi đang đầu tư các sản phẩm như vòng tay, tượng Phật, hương trầm… với giá thành phù hợp” – ông Tưởng nói. 

Phải ưu tiên đặc biệt

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy định, bảo tàng tư nhân được phép hoạt động. “Làm tốt thì nên khuyến khích. Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất nên phải ưu tiên đặc biệt. Sau đó là một sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch. Giới thiệu về địa phương là quá tốt” – ông Hoa nhấn mạnh.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Theo: Zing