Ngày 1-1-2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực, nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư.
Mong được hỗ trợ
Xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh), một trong những địa phương có ngành chăn nuôi khá phát triển. Thời gian qua, xã đã xây dựng một khu chăn nuôi tập trung thu hút hơn 10 hộ vào sản xuất. Tuy nhiên, tới thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư.
Ông Lê Trường (thôn Tây 2, xã Diên Sơn) có 2 trại nuôi gà, một trại nuôi tại nhà và một trại tại Hòn Ngang (thôn Tây 1). Mỗi nơi, ông nuôi 2.000 con gà thịt/lứa. Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi khoảng 100 – 150 triệu đồng. Trao đổi về việc nghiêm cấm chăn nuôi trong khu dân cư khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, ông Trường cho biết sẽ chấp hành, nhưng Nhà nước cũng phải hỗ trợ kinh phí di dời và xây dựng chuồng trại.
Còn ông Lưu Hoàng Hà (thôn Tây 2) cho biết: Nhà nước cần xem xét khái niệm thế nào là khu dân cư, quy mô nhà cửa, dân số thế nào? Bởi nếu không định nghĩa được khu dân cư thì rất khó để người dân có thể sản xuất ổn định.
Ông Nguyễn Quang Dũng – cán bộ thú y xã Diên Sơn cho biết, hiện nay, chăn nuôi nông hộ giảm nhiều so với trước, chỉ còn khoảng 20% do tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, dịch bệnh thường xuyên, hiệu quả thấp. Khu chăn nuôi tập trung của xã xây dựng mấy năm trước để đối phó tình hình ô nhiễm, khiếu kiện của người dân. Do khó khăn về kinh phí, khu này chỉ được san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, kéo điện lưới, còn thiếu nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Hiện nay, ngoài khu này, xã còn quy hoạch một số nơi khác như Hòn Ngang để người dân lựa chọn.
Ông Lê Văn Mỹ – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang) cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn vẫn còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng đã giảm rõ rệt. Tuy xã đã vận động hộ chăn nuôi di dời ra khỏi khu dân cư nhưng không mấy người thực hiện; xã cũng không có quỹ đất để bố trí khu chăn nuôi tập trung.
Đang chờ nghị định hướng dẫn
Theo số liệu điều tra chăn nuôi nông hộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, toàn tỉnh có gần 52.000 hộ chăn nuôi. Trong đó, nuôi trâu 556 hộ, 3.639 con; nuôi bò 16.403 hộ, 61.442 con; nuôi heo 5.451 hộ, hơn 266.000 con; gia cầm hơn 28.000 hộ, hơn 2 triệu con; 355 nhà yến… Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ 16,5 tỷ đồng. |
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tuy ngày 1-1-2020 Luật Chăn nuôi có hiệu lực song vẫn chưa thể thực thi ngay, vì phải chờ Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn. Với lộ trình di dời là 5 năm, các hộ chăn nuôi sẽ có thời gian để nuôi, bán hết vòng đời của vật nuôi; sau đó, sẽ chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt, không gây ô nhiễm môi trường. Nhà nước không thu hồi nhà xưởng, chuồng nuôi và đất đai, do đó, UBND tỉnh không đề xuất chính sách hỗ trợ đối với quy mô chăn nuôi nông hộ mà chỉ đề xuất hỗ trợ di dời đối với chăn nuôi trang trại.
Được biết, Chính phủ đang dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi. Khi các nghị định này có hiệu lực, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định cụ thể để tổ chức thực hiện sau khi xin ý kiến HĐND tỉnh.
Liên quan đến việc xác định khu dân cư, UBND tỉnh cũng sẽ trình HĐND tỉnh quyết định quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh không được phép chăn nuôi như sau: Khu vực các phường của thành phố, thị xã; thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh); thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh); thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm); khu dân cư nằm trong khu quy hoạch trung tâm của các xã, thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) được UBND cấp huyện phê duyệt.
V.L
Theo: Báo Khánh Hòa