Từ ngày 1-1-2020, công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết:
– Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe với nhiều điểm mới.
Theo đó, kể từ ngày 1-1-2020, theo quy định mới, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch như: điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc. Dữ liệu từ các camera này sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các sở giao thông vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, dữ liệu hình ảnh sát hạch cũng được hiển thị trên các màn hình đặt ở phòng chờ để công khai với người dự sát hạch. Tổng cục sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của từng học viên qua các thiết bị theo dõi tại cơ sở đào tạo.
– Thưa ông, lộ trình thực hiện các điểm mới trong Thông tư 38 sẽ được thực hiện như thế nào?
– Đối với công tác đào tạo, thông tư quy định, kể từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Đặc biệt, thông tư quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm hai môn học là học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái.
Đối với nội dung sát hạch, trước đây học viên chỉ thi 3 nội dung, nay bổ sung thêm nội dung là học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng. Thiết bị mô phỏng bao gồm hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng và cabin học lái ô tô sẽ được sử dụng cả trong đào tạo và sát hạch. Thời gian một người học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ, sau khi đã hoàn thành các khoa mục tập lái trên sân và trước khi ra tập lái trên đường. Còn trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ ngày 1-1-2021 và sát hạch từ ngày 1-5-2021.
Một thay đổi đáng lưu ý so với chương trình đào tạo cũ là nội dung các môn học lý thuyết được bổ sung, dù thời lượng từng môn vẫn không đổi. Cụ thể, môn học cấu tạo và sửa chữa thông thường sẽ có nội dung hệ thống an toàn chủ động với thời lượng 1 giờ; môn kỹ thuật lái xe có kỹ thuật lái xe an toàn chủ động với 2,5 giờ và môn nghiệp vụ vận tải có trách nhiệm của người kinh doanh vận tải với 3 giờ. Môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, nội dung “phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông” chiếm 2 giờ.
– Việc thay đổi nhiều nội dung như vậy có ảnh hưởng gì tới quá trình đào tạo, sát hạch lái xe của trung tâm, thưa ông?
– Hiện nay, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng đủ chuẩn các điều kiện mà thông tư quy định. Vì vậy, khi triển khai thông tư này, các trung tâm gặp khó khăn nhất là việc trang bị thêm thiết bị như: camera, cabin mô phỏng cho học viên… Tuy nhiên, sở cũng đã quán triệt và các trung tâm cũng hứa sẽ thực hiện đúng, đủ các điều kiện theo lộ trình quy định của thông tư.
Việc thực hiện Thông tư 38 tạo điều kiện thuận lợi cho cả người học và cơ quan quản lý nhà nước. Học viên sẽ không bị cắt xén thời gian học lý thuyết và thực hành bởi hệ thống giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn trong việc giám sát các hoạt động đào tạo và sát hạch của trung tâm, góp phần tạo minh bạch, công bằng, nâng cao chất lượng công tác này.
– Xin cảm ơn ông!
THÀNH NAM (Thực hiện)
Theo: Báo Khánh Hòa