Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động (NLĐ) bị ngừng việc đến nay chưa giải quyết được hồ sơ nào.
Hỗ trợ vốn vay khôi phục sản xuất
Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Cam Ranh triển khai nhiều biện pháp giúp người dân khắc phục thiệt hại bởi dịch bệnh, đặc biệt là tập trung hỗ trợ vốn mới để người dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Gia đình khó khăn, vợ đã mất, bản thân là trụ cột nên ông Võ Đức Tuyên (phường Cam Phúc Bắc) rất cần vốn để làm ăn. Vì thế, đợt này, ông Tuyên vay 50 triệu đồng để nuôi tôm và nguyện vọng của ông là tiếp tục được vay thêm vốn. Theo bà Phan Phước Thảo – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố, từ đầu năm đến nay, phòng giao dịch đã giải ngân gần 93 tỷ đồng (tổng dư nợ hiện đạt gần 376 tỷ đồng). Nguồn vốn ưu tiên hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch để họ có điều kiện khôi phục sản xuất.
Bà Chế Thị Thu Trang (tổ dân phố Đông Môn 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) vay 20 triệu đồng từ NHCSXH từ năm trước để có vốn buôn bán thịt heo. Mỗi ngày, bà Trang dậy từ 3 rưỡi sáng đến lò mổ lấy thịt xuống bán lẻ ở chợ Ga Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang). Do dịch bệnh, giá thịt heo tăng cao, buôn bán ế ẩm, nhiều buổi chợ lỗ vốn. “Giờ bán chỉ bằng 1/5 so với hồi chưa dịch nên mỗi tháng đóng 200.000 tiền lãi và tiết kiệm cho NH cũng trở nên khó khăn. Mấy mẹ con tôi tính nghỉ bán thịt heo, vay thêm vốn NHCSXH hoặc vay mượn để bán cà phê, nước mía, sinh tố ngay vỉa hè gần nhà để đỡ khó khăn”. Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn thị trấn Diên Khánh hơn 21 tỷ đồng, hộ vay chủ yếu để buôn bán nhỏ. Nhiều hộ vay bị ảnh hưởng dịch nên buôn bán ế ẩm. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thảo – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn vay và UBND cấp xã rà soát các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn với hộ vay. Trong tháng 5 và 6, phòng giao dịch đã cho 406 hộ vay hơn 18,5 tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh; gia hạn nợ cho 61 hộ với 910 triệu đồng.
Theo ông Hồ Đắc Thích – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19, NHCSXH giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng tăng 148 tỷ đồng (không tính chỉ tiêu cho vay nhà ở xã hội) nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố chuyển ngân sách địa phương để ủy thác NHCSXH cho các đối tượng chính sách. Từ đầu năm đến nay, ngân sách địa phương cấp tỉnh và cấp huyện đã chuyển gần 41,3 tỷ đồng để bổ sung thêm nguồn vốn cho hộ vay khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ tháng 3 đến ngày 24-6, doanh số cho vay đạt gần 419,9 tỷ đồng với 13.681 hộ vay; gia hạn nợ cho 965 hộ vay với số tiền gần 16,7 tỷ đồng; làm hồ sơ rủi ro đợt 1 năm 2020 cho 86 món vay với số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Gói 16.000 tỷ đồng: Không tiếp cận được vì quy định ngặt nghèo
Ngoài cho vay vốn đối với các đối tượng chính sách, NHCSXH còn được giao thực hiện gói tín dụng 16.000 tỷ đồng để cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy hạn chót để giải ngân gói tín dụng này là ngày 31-7, nhưng đến nay, gói hỗ trợ này vẫn chưa giải ngân được.
Ông Hồ Đắc Thích cho biết, NHCSXH đã có hướng dẫn và tập huấn thủ tục, quy trình cho vay, nguồn vốn cũng đã sẵn sàng nhưng đến nay, NH chưa có trường hợp nào được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, do vướng mắc ở điều kiện vay vốn nên chưa có trường hợp nào được vay vốn để trả lương cho lao động ngừng việc, mà hầu hết chuyển qua hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.
Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong vòng vài tháng đã có gần 1.000 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Rất nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì hoạt động. Chính vì vậy, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của NHCSXH được kỳ vọng như chiếc phao cứu sinh, trợ lực cho DN trong giai đoạn khó khăn này. Ông Lê Văn Sơn – Tổng Quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng DN Việt Nam. Đặc biệt là các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Nếu tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng sẽ tạo trợ lực đáng kể cho các DN trong giai đoạn khó khăn này. Đây là cơ hội để DN giữ chân NLĐ lành nghề, có năng lực trình độ… sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của Covid-19. Sắp tới, đơn vị sẽ làm các thủ tục để vay”.
Kỳ vọng là vậy nhưng đến nay, chưa DN nào tiếp cận được gói tín dụng này mà lý do chính là không đáp ứng được điều kiện vay. Theo ông Lương Thế Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, nếu vay được khoản vay này thì quá tốt cho DN, song với những điều kiện theo quy định, không có đơn vị nào đủ điều kiện để có thể tiếp cận. Cụ thể, theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, điều kiện vay vốn quy định yêu cầu DN phải có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tại thời điểm 31-12-2019. “Vẫn biết các chính sách đưa ra thì phải có điều kiện, tiêu chí để tránh trục lợi, nhưng quy định như vậy thì quá ngặt nghèo và không hợp lý, chắc chắn không có DN nào có thể đáp ứng được quy định này. Đơn vị nào đáp ứng được thì gần như đã bị phá sản rồi”, ông Hùng khẳng định.
Cùng quan điểm này, ông Trần Minh Đức – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho rằng, để tiếp cận được các gói hỗ trợ không hề dễ dàng, cần quá nhiều điều kiện. “Đối với gói 62.000 tỷ đồng, chúng tôi đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng đến nay chưa thấy phản hồi. Không biết đợi đến khi nào NLĐ mới được hưởng chính sách này. Còn với gói 16.000 tỷ đồng, chúng tôi có được thông báo, song với những điều kiện như vậy thì chúng tôi không làm hồ sơ. Chưa biết có vay được hay không, nhưng với các điều kiện như vậy, DN không thể tiếp cận khoản vay này”, ông Đức nói.
Trước thực tế đó, các DN đề xuất điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện vay. Trong đó, nên bỏ điều kiện DN không có nợ xấu tại NH tại thời điểm cuối năm 2019. Bởi quy định này quá chặt và dường như không có liên quan đến mục đích, ý nghĩa nhằm hỗ trợ an sinh xã hội cho DN và NLĐ. Bên cạnh đó, đối với điều kiện DN đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ cũng nên điều chỉnh lại theo hướng, gói hỗ trợ sẽ cho vay 50% tiền lương tối thiểu, phần còn lại DN tự cân đối, sắp xếp…
NAM DU – NHẬT LINH
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/202006/tro-luc-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-vuot-kho-8170887/