13 năm gắn bó với mảnh đất Khánh Sơn (Khánh Hòa), cũng chừng đó năm ông Mai Văn Khang (60 tuổi, ở thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) buồn vui cùng cây sầu riêng. Đến nay, ông đã được hưởng vị ngọt từ trái sầu riêng và trở thành tấm gương nông dân sản xuất giỏi.

Nhà nông ham học hỏi

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Năm 2007, từ vùng cao nguyên Lâm Đồng, gia đình ông Mai Văn Khang chuyển đến lập nghiệp tại huyện Khánh Sơn. Ông đã dồn hết vốn liếng để mua 2ha đất trồng cà phê. Lúc ấy, ở Khánh Sơn nói chung và xã Sơn Lâm nói riêng, cây sầu riêng đã bắt đầu phát triển với các mô hình của ông Cao Văn Sang, Đậu Dương Trần Nguyễn (xã Sơn Bình), Đặng Tài Hổ (thị trấn Tô Hạp)… Vì thế, ông Khang đã quyết định đầu tư trồng sầu riêng. Ban đầu, ông trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến lúc cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói thì ông bỏ hoàn toàn cây cà phê để tập trung cho sầu riêng. “Để cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt không hề đơn giản. Các khâu từ làm cỏ, bỏ phân, vô thuốc, tưới nước… đều phải đúng quy trình, liều lượng, chủng loại, thời gian. Những điều đó, lúc bấy giờ chẳng ai phổ biến. Mỗi người tự làm, tự rút kinh nghiệm dần”, ông Khang chia sẻ.



Ông Mai Văn Khang - tấm gương nông dân sản xuất giỏi.

Ông Mai Văn Khang – tấm gương nông dân sản xuất giỏi.



Lúc đầu, cây sầu riêng của gia đình ông cứ bị các bệnh xì mủ, khô cây, rụng trái non… Ông Khang đã đến những nhà vườn có kinh nghiệm trong huyện, thậm chí lặn lội đến nhà vườn ở các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, Bến Tre để học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, ông tích cực tham gia các tổ chức hội để dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng trên địa bàn huyện. Cứ như thế, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, ông Khang đã tìm ra được “bí kíp” cho riêng mình. Giờ đây, những trái sầu riêng từ vườn của ông vừa thơm ngon lại vừa đẹp nên không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu.

Quan tâm giúp đỡ nông dân


Từ 2ha đất ban đầu, đến nay, ông Khang đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên 10ha với khoảng 1.500 cây. Trong đó, có khoảng 60% cây đã cho thu hoạch rộ. Từ năm 2018 đến nay, vườn sầu riêng cho ông Khang mức thu nhập khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm.


Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Khang còn được nhiều người biết đến là người có tinh thần tương thân tương ái. Từ nhiều năm nay, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập ổn định 5 – 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những người làm cho gia đình ông còn được hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn cách trồng sầu riêng… “Tôi đã làm cho gia đình ông Khang được 5 năm và có thu nhập ổn định. Ông còn cho tôi mấy chục cây giống sầu riêng và phân bón để trồng trong vườn nhà; giúp đỡ mỗi khi gia đình tôi gặp khó khăn trong cuộc sống”, ông Mấu Hồng Trung (thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm) cho biết.


Theo ông Cao Đinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lâm, trên địa bàn xã có 270ha trồng cây sầu riêng, trong đó nhiều gia đình có diện tích từ 10ha trở lên, nổi bật nhất là ông Mai Văn Khang. Cái hay của ông Khang là không giấu kinh nghiệm trồng sầu riêng cho riêng mình mà luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Năm 2017, khi Tổ hợp tác trồng, chăm sóc cây sầu riêng xã Sơn Lâm ra đời, các thành viên trong tổ đã tín nhiệm bầu ông Khang làm tổ trưởng. Năm 2018, ông tiếp tục được bầu làm tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp thu mua nông sản xã Sơn Lâm. Trên cương vị của mình, ông Khang đã nỗ lực kết nối các hội viên, thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến cây sầu riêng.  

 

Giang Đình

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202009/tien-toi-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-khanh-hoa-lan-thu-v-giai-doan-2020-2025-trieu-phu-sau-rieng-8182750/