Sau nhiều đợt phân luồng giao thông, TP. Nha Trang vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ áp dụng thêm nhiều giải pháp mới nhằm cải thiện môi trường giao thông đô thị.

Ùn tắc, mất an toàn

Bà Lê Thị Mai ở phường Vĩnh Nguyên cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, đi làm về lúc 5 giờ chiều bà đã bị tai nạn trên đường Trần Phú khi giao thông bị ùn tắc. Một chiếc xe ô tô 7 chỗ ép sát bên cạnh đã quẹt vào gương chiếu hậu xe máy, làm bà ngã ụp mặt xuống đường và bị gãy sống mũi, phải đi viện điều trị. “Tôi quá sợ cảnh ùn tắc giao thông mỗi ngày, vừa ô nhiễm khói bụi, vừa mất an toàn, chỉ cần một sơ suất nhỏ, xe bên cạnh va quẹt ngã xuống thì không biết hậu quả thế nào”, bà Mai nói.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Đường Trần Phú thường xuyên ùn tắt giao thông giờ cao điểm

Đường Trần Phú thường xuyên ùn tắt giao thông giờ cao điểm

Ông Sáu Tùng ở phường Vĩnh Trường cũng cho hay: “Nhà tôi ở hẻm sát mặt tiền đường Võ Thị Sáu, hàng ngày cứ đến giờ cao điểm, từng đoàn xe khách từ đường vòng Núi Chụt nối đuôi nhau chạy vào đường Võ Thị Sáu để lên Lê Hồng Phong là xảy ra ùn tắc giao thông. Người dân trong khu vực chỉ có 1 đường độc đạo Võ Thị Sáu để đi lại, buôn bán. Bao nhiêu năm qua, chính quyền địa phương đã gặp khó khi xử lý tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè lòng đường trên con đường này, bây giờ thêm các loại xe cỡ lớn chạy vào nữa thì càng thêm ùn tắc, mất an toàn, bất an cho người dân”.

Không chỉ có đường Trần Phú, Võ Thị Sáu, vào khung giờ cao điểm trên các tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Vân Đồn, đường 2-4, Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực Mả Vòng, ngã 6… vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Thời gian qua, cơ quan chức năng thành phố đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp chống ùn tắc, nhưng cải thiện chỗ này lại ách tắc chỗ khác, chưa thật sự thông thoáng.

Ông Ngô Khắc Thinh – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, nguyên nhân tình trạng này là do thời gian gần đây, phương tiện cơ giới đường bộ phát triển nhanh chóng, trong khi đó hệ thống đường đô thị nội thành hầu như không phát triển nhiều. Phương thức tổ chức giao thông chưa hợp lý, vẫn bố trí theo làn xe hỗn hợp. Thành phố lại chưa có bãi đỗ xe dành cho ô tô chở khách du lịch tham quan danh thắng trong nội thành, nên xảy ra tình trạng đậu đỗ xe trái quy định. Công tác xử lý vi phạm thì gặp khó khi chủ xe không hợp tác, cố tình không xuất hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra, trong khi đó thành phố chưa trang bị xe cẩu xe vi phạm, 5 cùm khóa xe đã cấp không đủ phục vụ công việc…

Sẽ áp dụng thêm giải pháp mới

Thời gian tới sẽ cấm tất cả các loại ô tô dừng đỗ trên lòng đường Trần Phú

Thời gian tới sẽ cấm tất cả các loại ô tô dừng đỗ trên lòng đường Trần Phú

Thời gian gần đây, phương tiện đường bộ trên địa bàn thành phố tăng đột biến. Toàn thành phố hiện có hơn 21.000 ô tô, 332.000 mô tô, trong đó đăng ký mới và chuyển đến hơn 1.200 ô tô và hơn 5.000 mô tô. Hàng ngày, lưu thông trên đường phố còn có 1.500 xe taxi, 33 xe ô tô điện, hơn 1.200 ô tô khách phục vụ du lịch từ 16 – 50 chỗ, trong đó hơn 750 xe trên 30 chỗ ngồi; khoảng 200 ô tô tải có tải trọng trên 15 tấn lưu thông thường xuyên phục vụ xây dựng các dự án, đó là chưa tính các phương tiện ô tô, mô tô từ các tỉnh khác đổ về thành phố. 

Để tiếp tục chống ùn tắc giao thông, ngoài các giải pháp đã áp dụng, hiện nay, Phòng Quản lý đô thị thành phố đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu trình thành phố giải pháp mới khả thi hơn để áp dụng vào thực tế. Đó là, đối với đường Trần Phú, cấm tất cả xe ô tô khách trên 24 chỗ lưu thông đoạn từ ngã 3 Trần Phú – Hoàng Diệu đến ngã 3 Trần Phú – Lê Thánh Tôn từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 16 giờ chiều đến 21 giờ tối. Đối với ngã 6, ngã 7, cấm ô tô trên 7 chỗ và ô tô tải từ 1,5 tấn trở lên lưu thông trên đường Lê Thánh Tôn theo hướng từ ngã 3 Lê Thánh Tôn – Nguyễn Thiện Thuật đến ngã 6 từ 16 giờ đến 18 giờ; cấm tất cả ô tô lưu thông trên đường Lý Thánh Tôn (trừ xe bus) theo hướng từ nút giao Yersin – Lý Thánh Tôn về ngã 6.

Ngoài ra, cấm dừng đỗ đối với tất cả ô tô trên đường Đinh Tiên Hoàng. Đặc biệt, phòng còn tham mưu cho Chủ tịch thành phố ban hành văn bản yêu cầu các khách sạn 4, 5 sao dọc đường Trần Phú cải tạo phạm vi đất trong độ thối lui công trình để làm nơi cho xe dừng, đón trả khách của khách sạn, không sử dụng lòng đường Trần Phú làm nơi đỗ xe đón trả khách. Thời gian yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành cải tạo nơi đỗ xe trước ngày 30-11-2017. Sau thời hạn này, nếu các khách sạn không thực hiện thì thành phố sẽ lắp đặt biển cấm dừng, đỗ đối với tất cả ô tô trên đường Trần Phú, đoạn từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm – Trần Phú đến ngã 3 Hoàng Diệu – Trần Phú.

“Dự thảo phương án này hiện đang chờ các cơ quan có chức năng liên quan góp ý, thành phố xem xét phê duyệt để triển khai áp dụng trong thời gian tới. Về lâu dài, phòng sẽ đề nghị thành phố tổ chức giao thông hợp lý theo hướng hạn chế phương tiện ô tô khách trên 30 chỗ lưu thông trên các tuyến đường trung tâm có mặt cắt ngang phần đường dưới 10m. Đồng thời, tổ chức giao thông một chiều để chống ùn tắc trên cơ sở khớp nối với hệ thống giao thông đô thị hiện có và khu sân bay Nha Trang”, ông Thinh nói.

 
Minh Thiết

Theo: Báo Khánh Hòa