Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hồi 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 22 giờ tối 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 12.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Từ sáng 11/11 đến sáng 12/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Từ sáng 12/11 đến sáng 13/11, áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối 10/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm 10/11 ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5-2,5m.

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 10 đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng từ 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hoà từ 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk từ 100-200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.

Về diễn biến lũ, từ đêm 10/11 đến ngày 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Nam Phú Yên, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên lên mức báo động 1-báo động 2, có sông lên trên báo động 2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức báo động 2-báo động 3 và trên báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất là cấp 1.

[Chủ động ứng phó với bão số 6 để tránh, giảm thiểu thiệt hại]

Sáng 10/11, ở Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu có mưa lớn, các cơ quan chức năng tiếp tục vận động người dân di dời ra khỏi khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền dự kiến vào tối cùng ngày.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 88 điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao khi bão số 6 đổ bộ.

Thống kê sơ bộ, các địa điểm này có 3.707 hộ dân với trên 15.400 nhân khẩu có khả năng bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đá khi mưa lớn. Trong đó, các điểm xung yếu chủ yếu nằm trên địa bàn các xã Phước Đồng, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, phường Ngọc Hiệp…

Trước đó, 60 hộ dân với 170 nhân khẩu ở thôn Đất Lành, Thuỷ Tú (xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang) đã chủ động di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở từ chiều 9/11. Đối với các xã, phường khác cũng trong tư thế sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn trước 12 giờ trưa 10/11.

Ghi nhận tại xã Phước Đồng (Nha Trang), từ sáng sớm 10/11, người dân các thôn Thành Đạt, Thành Phát, Phước Lộc đã chuẩn bị, gói ghém đồ đạc cần thiết, sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn trước 12 giờ theo thông báo của chính quyền địa phương.

Dù mưa ngày càng nặng hạt nhưng ông Nguyễn Văn Hùng (trú tại xóm Núi, thôn Thành Phát) vẫn tranh thủ dọn dẹp, chằng chống lại mái nhà trước khi di dời. Từ sáng sớm vợ ông đã đem theo vali đồ xuống phòng trọ gia đình thuê sẵn để tránh bão. Đến giữa trưa ông và con trai sẽ di chuyển xuống sau khi khóa cửa nẻo chắc chắn.

Tương tự, cảnh giác với tình trạng sạt lở khi mưa lớn, bà Huỳnh Thị Ngọc, trú ở thôn Thành Phát đã chủ động đưa các con xuống nhà người thân từ tối 9/11. Hai vợ chồng bà ở lại dọn dẹp nhà cửa, thu gom đồ đạc và sẽ đi sau.

Năm ngoái nhà bà Ngọc bị đất đá sạt lở là sập nên giờ không dám chủ quan, cứ mưa lớn kéo dài chủ động di dời càng sớm càng tốt, bà Ngọc chia sẻ.

Công tác vận động, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn được triển khai từ chiều 9/11, đến sáng 10/11, chính quyền địa phương xã Phước Đồng tiếp tục đến tận nhà dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở thông báo, vận động di chuyển trước 12 giờ trưa.

Theo ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Đồng, toàn xã có 320 hộ với 1.277 nhân khẩu phải di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Xã chuẩn bị hội trường thôn, trường tiểu học và Trạm kiểm soát Biên phòng Hòn Rớ để hỗ trợ nhân dân, một số khác di chuyển đến nhà người thân hoặc thuê phòng ở tạm.

Để chủ động ứng phó với bão số 6, thành phố Nha Trang huy động lực lượng gần 2.000 người ứng trực, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Riêng lực lượng vũ trang thuộc thành phố cũng chuẩn bị hơn 1.200 người cùng phương tiện sẵn sàng hỗ trợ khi bão đổ bộ./.

Nguyễn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus