Sau thời kỳ tăng trưởng với hai con số, sáu tháng đầu năm nay, thị trường hành khách hàng không tiếp tục tăng, nhưng tốc độ đã chậm lại so với cùng kỳ 2018 khi đạt 9,4%.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt 56,8 triệu lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%. Năm 2019, thị trường hàng không có sự tham gia của hãng hàng không mới là Bamboo Airways.

Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%.

Con số thống kê cũng cho thấy, các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 Cảng hàng không, trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 9 đường bay và Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.

[‘Chạy đua’ mua tàu bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không]

Ngoài ra, tổng khách vận chuyển là 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần Vietnam Airlines chiếm 35,9%, VASCO là 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.

Tính đến ngày 31/6/2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội tàu bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 27,4% (54 tàu bay sở hữu).

Báo cáo của Cục Hàng không cũng cho thấy, sáu tháng năm nay, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 153.000 chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130.000 chuyến, chiếm tỷ lệ 84,8%, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ giảm 1,3 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay hủy là 274 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,2%, tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu thống kê, nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm vẫn tập trung ở ba nhóm chính là do tàu bay về muộn (13.800 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 9,0%, giảm 0,2 điểm so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tỷ trọng 59,4% tổng số chuyến bay chậm); nguyên nhân do hãng hàng không (5.500 chuyến bay cất cánh chậm, chiếm tỷ lệ 3,6%, tăng 1,1 điểm so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ trọng 23,8% tổng số chuyến bay chậm); nguyên nhân do trang thiết bị tại cảng hàng không với 2.700 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 1,8% và chiếm tỷ trọng 11,8%.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020-2030.

Tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách. Để vận chuyển 85 triệu khách, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam cần 340 chiếc vào năm 2023./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus