Những năm qua, ngành khai thác, chế biến hải sản của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đã có bước phát triển mạnh, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Mới đây tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản.

Nhận diện thách thức

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản trong và ngoài tỉnh cho rằng, thách thức lớn nhất mà ngành khai thác, chế biến tiêu thụ hải sản Việt Nam đang đối mặt là việc Ủy ban châu Âu (EC) giơ “thẻ vàng” cảnh báo đối với nguồn gốc hải sản của Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề này, ngoài việc DN phải kiên quyết nói không với nguồn nguyên liệu khai thác bất hợp pháp, vấn đề vướng mắc cần giải quyết là việc ngư dân không ghi nhật ký khai thác, việc xác nhận nguồn gốc hải sản.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Thực tế, quy định ghi nhật ký khai thác đã có từ lâu nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều ngư dân vẫn chưa thực hiện, một khi DN nhập lô hàng về chế biến nhưng không có nhật ký khai thác, không xác nhận được nguồn gốc lô hàng thì không đảm bảo được quy định của EC về nguồn gốc hải sản. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, không riêng EC mà các thị trường lớn cũng sẽ có những rào cản tương tự đối với hải sản nhập khẩu, một khi nghề cá Việt Nam không thay đổi thì sẽ tự loại mình ra khỏi các thị trường xuất khẩu lớn.   

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Đình Hậu – đại diện Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khu Công nghiệp Suối Dầu) nhận định: “Một trong những thách thức lớn nhất đối với hải sản Việt Nam khi bước ra thị trường quốc tế là vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề này hiện chưa được chú trọng. Đơn cử như việc thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương của công ty từ các tàu cá trên địa bàn TP. Nha Trang và các tỉnh lân cận. Hầu hết các tàu cá đều chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cảng cá cũng chưa được đảm bảo, ngư dân khi cập cảng sử dụng nước sông, nước dưới cảng để rã đá là không đảm bảo vệ sinh. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn nguyên liệu xuất khẩu của DN, trong khi vấn đề này các nước nhập khẩu rất chú trọng”.

Hiện nay, tồn tại của nghề cá Khánh Hòa và các địa phương là đội tàu quy mô nhỏ, số lượng nhiều, cơ cấu nghề khai thác rất đa dạng; việc gia tăng cường lực khai thác trong những năm gần đây càng tạo áp lực lớn lên nguồn lợi hải sản. Trong khi đó, trang thiết bị trên các tàu cá, đặc biệt là hầm bảo quản còn hạn chế nên tỷ lệ tổn thất sau khai thác lên đến 15 – 20%; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản còn hạn chế cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị sản phẩm hải sản… Trong bối cảnh nghề cá đang đối diện với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến hoạt động của ngư dân cho đến những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế thì việc tái cơ cấu ngành thủy sản để phát triển theo hướng bền vững, hiện đại là vấn đề bức thiết được đặt ra.

Cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang).

Cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang).

Tìm hướng phát triển bền vững

Vấn đề trước mắt cần giải quyết là phải thực hiện tốt các khuyến nghị của EC liên quan đến nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam; trong đó tập trung tuyên truyền để ngư dân vươn khơi khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài; ghi nhật ký khai thác, tổ chức tốt việc xác nhận nguồn gốc hải sản…

Thời gian qua, Khánh Hòa tập trung phát triển khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản theo hướng chuỗi liên kết đối với một số sản phẩm chủ lực như: cá ngừ vây vàng, mắt to, cá ngừ vằn. Từ hiệu quả các mô hình này, Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi, nhân rộng mô hình đối với các sản phẩm thủy sản khác. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng đang tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng chuyển đổi dần sang đội tàu công suất lớn, hiện đại; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản… Cùng với khai thác, Khánh Hòa còn chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho các DN xuất khẩu.

Khánh Hòa được định hướng xây dựng thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Ngoài đội tàu khai thác mạnh, với hơn 9.400 chiếc, trong đó có hơn 1.300 chiếc xa bờ; sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 lên đến hơn 100.000 tấn, Khánh Hòa còn là một trong những trung tâm chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản lớn, với 44 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2017 lên đến hơn 500 triệu USD.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để nghề cá phát triển bền vững, hiệu quả, các địa phương cần xây dựng được 3 trụ cột là khai thác theo chuỗi khép kín; tăng cường khâu chế biến sâu gắn với thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nuôi trồng hải sản. Việc phát triển khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản cần phải xuất phát từ cái gốc của thị trường, muốn vậy cần phải nhận diện cho được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như nghiên cứu để chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu; từ đó tổ chức lại hoạt động khai thác ở cả 3 lớp bờ, lộng và khơi. Đối với chế biến, DN cần nghiên cứu để chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Đối với ứng dụng khoa học công nghệ, cần rà soát cập nhật các tiến bộ mới nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản…

Đối với việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp mà EU đã giơ “thẻ vàng” cảnh báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương ven biển phải quyết liệt khắc phục, những việc cần làm ngay là: cấm ngư dân khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài, phải khai báo, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Các địa phương cũng cần rà soát toàn bộ các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để tới đây khi đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sang, thấy được Việt Nam đã nỗ lực khắc phục, chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị này.

BÍCH LA  

Theo: Báo Khánh Hòa