Sau khi có chủ trương hình thành Khu hành chính kinh tế – đặc biệt bắc Vân Phong, việc thu hút đầu tư vào khu vực này bị dừng lại. Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong xin được tiếp tục áp dụng quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt để kêu gọi vốn đầu tư thay vì tạm dừng như hiện nay.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Vân Phong sẽ trở thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo; kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác; là trung tâm kinh tế của tỉnh có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, làm động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút 156 dự án đầu tư. Trong đó, có 129 dự án trong nước, 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD; vốn thực hiện đạt hơn 717 triệu USD. Đến nay, có 81 dự án đã đi vào hoạt động với vốn thực hiện 607 triệu USD và 75 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong số đó, có 42 dự án có sử dụng mặt biển với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng cảng biển, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Bình quân mỗi năm, KKT này đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, KKT Vân Phong vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Đặc biệt, từ khi có chủ trương hình thành đặc khu kinh tế thì vấn đề kêu gọi đầu tư vào khu vực bắc Vân Phong dường như dừng hẳn. Điều này khiến cho việc phát triển của KKT gặp không ít khó khăn. Các nhà đầu tư lớn như: ASA Holding Inc, Browrudnick, Livingston, BCG… đã nhiều lần làm việc với tỉnh nhưng vẫn chưa thể xúc tiến đầu tư. Thậm chí các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp khảo sát tại KTT Vân Phong, có ý định đầu tư song cũng dừng lại vì đợi thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, việc ngừng thu hút vốn đầu tư vào KKT đã kéo dài nhiều năm nay để chờ quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đặc khu. Điều này khiến tình hình đầu tư vào khu vực này bị ngưng trệ nhiều năm. Một số dự án như: Cảng trung chuyển quốc tế, khu phi thuế quan, Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng… bị ảnh hưởng.
Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã kiến nghị tỉnh, xin Chính phủ cho tiếp tục áp dụng quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt để tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào KKT; cho phép nghiên cứu, tiếp cận một số dự án lớn có quy mô để tạo động lực phát triển kinh tế. Trước mắt, tỉnh đồng ý cho tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào khu vực phi thuế quan và Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng. Các dự án khác, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý KKT Vân Phong rà soát lại, có báo cáo để tỉnh có hướng kêu gọi đầu tư cụ thể.
Ông Nguyễn Hữu Nghị – Trưởng phòng Quản lý đầu tư KKT Vân Phong cho biết, khu vực phi thuế quan ở Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh được quy hoạch một hệ thống cảng biển dài 12km với diện tích hơn 750ha. Khu vực này hiện nay được thay thế bằng Cảng tổng hợp bắc Vân Phong với chiều dài 700m. Song diện tích mà cảng biển thay thế chỉ chiếm 5,8% so với quy hoạch, vì vậy trong thời gian tới cần tiếp tục kêu gọi đầu tư để lấp đầy khu vực này. Riêng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng, tuy có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, song vấn đề về nguồn nước, nhân lực và quy hoạch chung đang là rào cản trực tiếp. Ngoài 2 hạng mục vừa nêu, khu vực bắc Vân Phong hiện nay vẫn còn rất nhiều diện tích đất dự án về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bất động sản đã được quy hoạch. Thời gian tới, tỉnh cần sớm định hướng để thu hút đầu tư.
Ông Hoàng Đình Phi cho rằng, để thu hút hiệu quả đầu tư vào KKT Vân Phong, thời gian tới cần tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ theo các tiêu chí “công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm”, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao của địa phương. “Bên cạnh đó, trong quản lý cần chú trọng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trong quá trình hoạt động, triển khai dự án đầu tư. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi đầu tư cần nhất quán, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật để các nhà đầu tư yên tâm”, ông Phi nói.
Ông Phan Thanh Liêm – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cũng cho rằng, việc tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu vực bắc Vân Phong là hết sức cần thiết. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế chung cho tỉnh. Đặc biệt, KKT Vân Phong đã được Chính phủ quy hoạch, nếu dừng thu hút đầu tư sẽ khiến khu vực này bị tụt hậu và lãng phí tiềm năng.
Đình Lâm
Theo: Báo Khánh Hòa