Sau sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra ở tỉnh Hòa Bình và Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã và đang đẩy mạnh công tác giám sát, rà soát lại và thực hiện nghiêm các quy trình chạy thận nhân tạo theo đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân (BN).
Rà soát lại quy trình
Đơn vị chạy thận nhân tạo của BVĐK tỉnh là 1 trong 5 trung tâm lớn của cả nước. Bình quân mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận hơn 100 BN đến chạy thận. Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh cho biết: “Sau sự cố y khoa ở 2 đơn vị bạn, khoa đã chỉ đạo đơn vị chạy thận nhân tạo thực hiện nghiêm ngặt các quy trình về con người, máy móc, trang thiết bị trước, trong và sau khi chạy thận. Trong đó, chú trọng đặc biệt về nguồn nước RO – nguyên nhân chính dẫn tới sự cố ở 2 tỉnh nói trên. Theo đó, đối với nguồn nước này, đơn vị thực hiện kiểm tra, xét nghiệm sinh lý hóa vi khuẩn thường xuyên; yêu cầu đội ngũ kỹ sư phụ trách nguồn nước RO có lịch trình, kế hoạch kiểm tra cụ thể hàng ngày. Nhờ giám sát chặt, đến nay, hoạt động chạy thận tại đơn vị đều ổn, lượng BN đến chạy thận vẫn ổn định”.
Điều trị hơn 3 năm, BN Phan Văn Mật (64 tuổi, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) cho biết: “Tôi thấy hệ thống chạy thận ở đây rất tốt. Trước khi vào chạy thận, tôi được các bác sĩ khám sức khỏe rất kỹ. Qua 3 năm chạy thận, tôi chưa gặp phải sự cố nào”.
Để hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra trong quá trình chạy thận, mới đây, đơn vị đã đề nghị lãnh đạo BV thay hệ thống dẫn nước RO từ ống nhựa sang ống inox nhằm giảm tối thiểu khả năng gấp góc của các ống dẫn nước – nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn nguồn nước RO. Kiến nghị này được Ban Giám đốc BV thông qua. Song song đó, đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn một số BN có đủ điều kiện chuyển sang sử dụng phương pháp lọc màng bụng. Đây là phương pháp mới, an toàn và thuận lợi cho BN vì không phải thường xuyên đến BV lọc máu 3 lần/tuần, mà họ có thể thực hiện ở nhà theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và chỉ cần đến BV kiểm tra mỗi tháng 1 lần. Qua thời gian tuyên truyền, hiện nay có 100 người chuyển sang sử dụng phương pháp này.
Còn gặp khó
Đơn vị chạy thận nhân tạo của BV thành lập năm 1993. Thời gian đầu thành lập, BV có khoảng 10 máy chạy thận, đến nay tăng lên 33 máy. Qua 26 năm thành lập, đơn vị đã góp phần cứu sống hàng nghìn BN suy thận cấp, ngộ độc; quản lý và điều trị cho 240 BN lọc máu chu kỳ. |
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, cũng giống các BV trong cả nước, hiện nay, hoạt động của đơn vị chạy thận nhân tạo tại BV gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tỷ lệ BN suy thận mạn tính ngày càng gia tăng, trong khi số máy chạy thận nhân tạo tại đơn vị chưa đáp ứng đủ, dẫn tới quá tải. Bác sĩ Kỷ cho biết, trước kia, bình quân mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 1 BN mới, bây giờ tăng lên 6 người. Hiện nay, đơn vị có 33 máy chạy thận nhân tạo, thực hiện chạy thận cho 240 BN. Một BN chạy thận mất từ 4 đến 5 giờ. Vì thế, để đáp ứng đủ nhu cầu, đơn vị phải thực hiện chạy ca 4 và ca 5, có khi đến 2 giờ sáng mới kết thúc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của BN.
Cùng với đó, hơn 90% BN chạy thận là hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi đó, hàng năm, chi phí chạy thận, thuốc, mạch giả, kim truyền… tiêu tốn hàng trăm triệu đồng của BN. Đây là gánh nặng kinh tế của người bệnh, BV cũng không thể gánh nổi khoản chi phí này. “Để giúp BN chạy thận nhân tạo duy trì cuộc sống, an tâm điều trị, chúng tôi mong muốn Nhà nước, xã hội có chương trình hỗ trợ thiết thực giúp họ giải quyết được bài toán kinh phí”, bác sĩ Kỷ kiến nghị.
Thảo Ly
Theo: Báo Khánh Hòa