Ngày 12-12, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp và cơ bản thống nhất điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng. Trong tuần này, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Kết nối đô thị và biển
Theo Công ty Cổ phần Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (đơn vị tư vấn thiết kế), dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng hiện nay đang tồn tại tình trạng ngăn cách giữa đô thị phía tây và dải công viên bờ biển. Vì vậy, cần đưa ra giải pháp kết nối tốt hơn giữa biển, công viên ven biển và đô thị để nâng cao giá trị của dải đô thị ven biển.
Đơn vị tư vấn cho rằng, khu vực đầu cầu Trần Phú hiện chỉ có Nhà nghỉ 378 và Công viên Yersin, trong khi hiệu quả sử dụng công viên này rất thấp. Lân cận có Dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa và Khu đô thị mới cồn Tân Lập đang xây dở, nguồn nước biển bị ảnh hưởng bởi nước sông Cái. Giải pháp ở khu vực này là tổ chức không gian điểm nhấn sinh động với công trình trung tâm nghiên cứu hải dương học và các công trình dịch vụ trong vườn dừa kết hợp với các quảng trường, đường dạo công viên ven biển. Nhà nghỉ 378 cần chuyển đổi thành công trình dịch vụ với các hướng mở kết nối với cảnh quan công cộng lân cận và thu nhỏ quy mô so với quy mô công trình hiện nay, bảo đảm không gian đi bộ công cộng tại vị trí ven mặt nước, đảm bảo không chắn tầm nhìn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hiện trạng phía tây đường Trần Phú hiện nay chủ yếu là khách sạn, phía đông là công viên, ít công năng sử dụng, ngoài khu vực Nhà hàng Bốn Mùa. Vì vậy, phải coi toàn bộ khu bãi biển này là hệ thống vườn kéo dài của chuỗi khách sạn, coi cả chuỗi khách sạn như một quần thể khách sạn lớn. Đơn vị tư vấn đề xuất dải công viên bờ biển phía nam cầu Trần Phú chia thành 2 phần: một phần phục vụ cảnh quan đô thị như: chỗ dạo, chỗ ngồi chơi, thể dục; một phần chủ yếu phục vụ bãi biển như: nhà hàng, nhà tắm… Tương lai cần tăng tính liên thông dọc bờ biển thành một chuỗi liên tục; tạo độ chênh cốt nền thành nhiều bậc mở về phía biển.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn thiết kế, khu vực Nhà hàng Sailing Club và Lousiane tuy có đóng góp tích cực cho hoạt động trong dải bờ biển nhưng vẫn tạo cảm giác đóng kín, chia cắt không gian, mất mỹ quan. Khu resort Ana Mandara có tường cao che chắn, tạo thành rào cản giữa đô thị và bờ biển cả về công năng lẫn thị giác. Tuy nhiên, hệ thống cảnh quan và nhà cửa của công trình khá đẹp nên nếu di chuyển resort này thì có thể giữ lại một vài công trình kiến trúc giá trị, mở thành không gian dịch vụ công cộng, giảm bớt mật độ xây dựng.
Tại khu vực giao cắt giữa đô thị khu sân bay Nha Trang cũ và dải ven biển, đơn vị tư vấn đề xuất quảng trường Đại Dương được tổ chức kết hợp với bảo tàng, triển lãm và tổ hợp khách sạn thành một quần thể công trình điểm nhấn tại điểm kết thúc của trục đường 66m khu đô thị sân bay, vượt qua đường Trần Phú, kết nối với không gian ven biển.
Đề xuất đường Trần Phú thành đường một chiều
Báo cáo tại cuộc họp, đơn vị cho biết, một trong những vấn đề trọng yếu của khu vực trung tâm TP. Nha Trang là đường Trần Phú có mật độ giao thông cơ giới quá cao, gây cản trở cho việc liên thông giữa đô thị và biển. Một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu nhược điểm này là chuyển một phần trung tâm của đường Trần Phú thành đường một chiều, khu vực được đề xuất là từ đường Trần Quang Khải đến đường Lê Lợi. Giải pháp này vừa khiến dải đô thị ven biển hấp dẫn hơn, vừa giảm thiểu được độ nguy hiểm và tác động ngăn cách của đường Trần Phú.
Theo ông Lê Huy Toàn – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, việc chuyển đường Trần Phú thành đường một chiều là cần thiết và phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn phải nghiên cứu kỹ giải pháp tổ chức giao thông sao cho hợp lý, bởi hiện nay 2 dòng người rất đông trên đường Trần Phú bị ngắt chuyển thành một chiều sẽ gây ách tắc nghiêm trọng tại điểm giao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Định – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay, trên đường Trần Phú chưa tổ chức được bãi đậu xe mà chuyển thành đường một chiều sẽ gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, cần nghiên cứu một số điểm giao cắt ở các khu vực tập trung khách sạn lớn, nhất thiết phải mở rộng vỉa hè phía tây.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Vinh thống nhất với đồ án mà Công ty Cổ phần Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra, đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phải bổ sung mật độ xây dựng, độ cao tối đa của các khu vực trong đồ án đề xuất, các tiện ích từng khu vực để sau này dễ dàng đầu tư. Ông yêu cầu đối với khu vực Ana Mandara phải xác định rõ đây là khu vực sinh hoạt, vui chơi cộng đồng. Khi khu resort Ana Mandara di dời, những gì tận dụng được thì giữ lại, còn lại chuyển đổi thành khu vực sinh hoạt cộng đồng về đêm. Bên cạnh đó, cần phải đưa vào nội dung nuôi cát để mở rộng bãi tắm ở các khu vực biển Hòn Chồng đến biển Hòn Một. Công ty Cổ phần Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sớm hoàn thiện đồ án để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
VĂN KỲ
. Kiến trúc sư Trần Thanh Cường: TP. Nha Trang còn đẹp và giá trị là nhờ dải công viên cây xanh ven biển. Dải này nếu bị mất dần đi bằng sự xâm chiếm của các dịch vụ khách sạn cao cấp dọc đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng sẽ mất đi giá trị. Dự án Nha Trang Sao trước kia hẹp, nay do lấn biển mà rộng rãi thì nên tổ chức thành công viên công cộng chứ không nên đưa dịch vụ vào.
__________________________________________________
. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Đà: Vấn đề giao thông rất quan trọng đối với đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, vì vậy cần mở rộng nghiên cứu đến đường Lê Hồng Phong chứ không chỉ đến khu đường Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật. Có mở rộng nghiên cứu mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề, bởi trong tương lai, trục đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng có rất nhiều vấn đề cần xử lý.
Theo: Báo Khánh Hòa