Bị cáo N.C.T (sinh năm 1984, trú TP. Nha Trang) có vẻ mặt già hơn tuổi thật, cặp lông mày vặn vẹo, đôi mắt xấc xáo, không mấy đáng tin. Tuy vậy, T. vẫn thuyết phục được người khác tin rằng T. có khả năng liên hệ để “tháo” cách ly y tế cho người nước ngoài.   


T. khai nhận, bị cáo vốn làm nhiệm vụ điều hành xe chở khách của một công ty tư nhân. Hôm đó, T. đi uống cà phê và được bạn giới thiệu với một phụ nữ. Trong câu chuyện làm quen ban đầu, T. hào hứng tự xưng mình quan hệ xã hội rộng, có thể giúp được nếu có vấn đề gì liên quan đến xe cộ cho du khách nước ngoài. T. cũng có thể xin được các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập cảnh, xin việc làm cho du khách nước ngoài … Trả lời câu hỏi của tòa về tính chính xác của những thông tin trên, T. thừa nhận, lúc đó mới làm quen, bị cáo nói vậy chỉ nhằm đề cao bản thân, thực tế không làm được.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Nhưng việc vỗ ngực tự xưng đó đã dẫn đến chuyện khác. Hôm sau, người phụ nữ mà T. mới quen được bạn gọi nhờ hỏi giùm cách giúp 2 người nước ngoài vừa nhập cảnh đang phải cách ly y tế được “miễn” cách ly. Chị này nghĩ ngay đến T. – người “có quan hệ rộng” mới quen ở quán cà phê và gọi hỏi T. Bị cáo T. thanh minh, chị đó gọi nhờ đúng lúc T. làm ăn thua lỗ, nợ nần và đang bị hăm dọa phải trả nợ. Lỡ khoác lác, thêm nợ nần hối thúc, T. quyết định gian dối tới chót, lừa đảo chị này bằng cách nhận lời, thông báo số tiền cần lo công việc. Để người nhờ mình tin tưởng hơn, T. còn vờ vịt bày trò đang tới gặp người quen ở cơ quan công an, “tiện thể” hẹn gặp tại trụ sở này. Để người giao tiền tin hơn, T. còn vờ đi vào trụ sở cơ quan công an để gặp người quen, nhưng thực tế chỉ loanh quanh một hồi, chẳng hề gặp ai, rồi mới ra ngoài nói đã giao tiền cho cơ quan công an, hứa đến cuối buổi chiều bạn họ sẽ được ra ngoài, không phải cách ly y tế. Đến cuối chiều, T. đã tắt máy, bỏ trốn; số tiền chiếm đoạt được cũng trả nợ, tiêu xài hết.


Căn nguyên dẫn đến vụ án này bắt đầu từ thói huênh hoang, khoác lác của bị cáo. Từ chỗ thích “nổ”, thêm hoàn cảnh đưa đẩy, T. đã sa chân phạm tội. Sau khi phạm tội, T. được xác định đã khắc phục xong số tiền chiếm đoạt. Nhưng thực tế, chính người phụ nữ sống chung với T. đã giúp khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt mà T. đã tiêu xài sạch bách. Chị này cho biết, giai đoạn đó, chị và T. mâu thuẫn cãi nhau, chị bỏ về nhà ở. Do đó, khi T. đã bị bắt, chị mới biết và cố gắng xoay xở tiền khắc phục giùm. Lý giải việc không yêu cầu bị cáo hoàn trả, chị buồn bã nói: Bị cáo cũng có gì đâu mà trả!  


Không hiểu nghe câu nói này, bị cáo T. có cảm thấy xấu hổ vì bản thân chẳng làm được điều gì ý nghĩa ngoài thói “thích nổ”, lừa đảo và tiêu xài?


TAM THUẬT

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202108/thich-no-8225342/