Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, các dự án lớn ở Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong vẫn được triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số dự án đang gặp khó khăn, cần được tháo gỡ.
Nhiều dự án đang triển khai
Hiện nay, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Dự án này có diện tích 14ha, gồm nhiều hạng mục về hạ tầng, cầu cảng, trang thiết bị phục vụ công tác bốc dỡ hàng hóa, kho bãi…; tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỷ đồng. Cảng có thể đón tàu có tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn. Khi đưa vào vận hành, cảng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực, cũng như tạo động lực thu hút đầu tư.
Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong tại thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) cũng đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 417 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Dự án có tổng diện tích 42,75ha, trong đó có 20,6ha mặt nước do Công ty TNHH Cảng Vân Phong làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là xây dựng bến cảng tổng hợp đa năng nhằm phục vụ cho các khu công nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tuy kéo dài nhiều năm bởi các yếu tố khách quan song cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, chủ đầu tư vừa hoàn tất việc ký hợp đồng BOT, bảo lãnh Chính phủ và ký hợp đồng mua bán điện với Bộ Công Thương. Mới đây, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất cho dự án. Hiện các thủ tục đã cơ bản hoàn tất, trong tháng 10-2019 sẽ tiến hành khởi công.
Ông Trần Minh Hải – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các dự án lớn trong KKT Vân Phong có ý nghĩa rất quan trọng cho cả khu vực, khi hoàn thành và đi vào vận hành sẽ là động lực cho nền công nghiệp của tỉnh phát triển. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư để có thể phát triển các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn. Trong đó, khu vực Vân Phong sẽ được đặc biệt quan tâm để tạo động lực chung cho nền kinh tế tăng trưởng.
Cần tháo gỡ khó khăn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 157 dự án, trong đó có 28 dự án nước ngoài và 129 dự án trong nước. Tổng vốn đăng ký vào KKT khoảng 4 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 717 triệu USD; giải quyết việc làm cho 6.000 lao động. |
Bên cạnh những dự án triển khai thuận lợi, thời gian qua, một số dự án tại KKT Vân Phong vẫn chưa triển khai hoặc phải dừng lại. Cụ thể, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong hiện được chủ đầu tư xin Thủ tướng Chính phủ cho phép không tiếp tục triển khai, với lý do khó bảo đảm hiệu quả đầu tư và cạnh tranh trong điều kiện hiện nay. Thực hiện theo ý kiến của Chính phủ và Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất đề nghị chấm dứt chủ trương đầu tư dự án. Sau đó, Tập đoàn Petrolimex có nguyện vọng được thay thế dự án lọc hóa dầu bằng dự án Trung tâm Điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong, với sự tham gia đầu tư của EVN. Tuy nhiên, hiện Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nên UBND tỉnh chỉ mới ghi nhận ý tưởng đầu tư.
Ngoài ra, tại khu vực quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 2, một số chủ đầu tư đã lên phương án xin được đầu tư điện khí. Vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận. Song, đây là dự án lớn nên tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư cần có báo cáo chi tiết hơn, đồng thời dự kiến tiến độ thực hiện cho từng giai đoạn.
Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, tại khu vực nam Vân Phong có một số nhà đầu tư đã báo cáo về việc xin thực hiện đầu tư điện khí. Đây là những ý tưởng rất tốt, hợp với xu thế, ít tác động đến môi trường và phù hợp với quy hoạch sản xuất điện năng của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, để xúc tiến được các dự án này còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phi, hiện nay, KKT Vân Phong đang gặp nhiều vướng mắc trong việc quy hoạch phân khu. Có nhiều dự án phù hợp với quy hoạch chung song chưa có quy hoạch cụ thể nên vẫn còn là ý tưởng. Nếu có quy hoạch phân khu sẽ tạo cơ sở pháp lý để các dự án triển khai, đặc biệt là sản xuất điện khí. Không những vậy, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thiếu kinh phí để thuê đơn vị tư vấn làm quy hoạch phân khu cho khu vực nam Vân Phong. Đây là vấn đề phụ thuộc vào đầu tư công trung hạn. Thời gian tới, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ cùng các ban, ngành tháo gỡ khó khăn này, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Đình Lâm
Theo: Báo Khánh Hòa