L.T.S: Trong những ngày dịch bùng phát, các doanh nghiệp đã phải vận dụng mọi khả năng để có thể vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất – kinh doanh. Kể từ 1-10, chúng ta từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều qui định ban hành trong thời gian qua đã không còn phù hợp, những qui định mới chưa có đang là rào cản đối với doanh nghiệp. Với mong muốn là nhịp cầu nối để doanh nghiệp nêu những vướng mắc cần được tháo gỡ, Báo Khánh Hòa mở chuyên mục THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP, tập hợp những vấn đề tồn đọng hoặc mới nảy sinh để các cơ quan nhà nước nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi.

Cần tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Hà Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 18, Chỉ huy trưởng công trường nút giao thông Ngọc Hội (TP. Nha Trang)



Ông Hà Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 18, Chỉ huy trưởng công trường nút giao thông Ngọc Hội (TP. Nha Trang)
Ông Hà Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 18, Chỉ huy trưởng công trường nút giao thông Ngọc Hội (TP. Nha Trang)

Thời gian qua, công trường thực hiện tất cả các quy định về phòng chống dịch bệnh, nổi bật là đã thực hiện có hiệu quả phương châm “3 tại chỗ”. Với hơn 70 công nhân làm việc tại chỗ trong điều kiện giãn cách xã hội, công trường chủ động lên kế hoạch thi công bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế. Công nhân được test Covid-19 định kỳ quy định của địa phương. Nhờ đó, trong suốt thời gian giãn cách, công trường vừa thi công vừa chống dịch luôn bảo đảm an toàn.


Tuy nhiên số lượng công nhân khá nhiều nên khi thực hiện giãn cách, việc đảm bảo đời sống, mua lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nguyên vật liệu xây dựng phục vụ thi công tại dự án cũng không đảm bảo nhu cầu do nhiều nhà máy đóng cửa không hoạt động, các xe vận chuyển chạy theo nguyên tắc “một cung đường 2 điểm đến” cũng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Không chỉ vậy, trong điều kiện giãn cách vì dịch bệnh, nhiều vấn đề phát sinh trên công trường cần phải xử lý, làm việc với các ban, ngành, cơ quan chức năng của địa phương cũng hạn chế, dẫn đến tiến độ không được như mong muốn.


Đến nay, hơn 70 cán bộ, công nhân trên công trường chưa được tiêm vắc xin dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị địa phương cũng như cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Trong thời gian tới, rất mong chính quyền quan tâm tạo điều kiện để công nhân được tiêm vắc xin, bảo đảm an toàn, yên tâm thi công. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn về di chuyển của các phương tiện phục vụ sản xuất để đẩy nhanh tiến độ dự án.


MẠNH HÙNG (ghi)



Mong được hỗ trợ một số khoản về tài chính

Ông Vương Vĩnh Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh



Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh
Ông Vương Vĩnh Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh

Thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, Công ty TNHH Long Sinh tiến hành triển khai “3 tại chỗ” tại nhà máy ở Khu công nghiệp Suối Dầu từ ngày 26-7. Việc phải sản xuất trong điều kiện dịch bệnh khiến cho công ty gặp không ít khó khăn. Bởi khi xây dựng, nhà máy không có khu ký túc xá dành cho công nhân nên phải tận dụng các phòng nghỉ trưa, phòng tác nghiệp để sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho cán bộ, công nhân viên. Các chi phí sản xuất cũng bị đội lên rất nhiều trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” như tiền điện (tính theo giá sản xuất giờ cao điểm), tiền nước, ăn ngày 3 buổi (thêm 2 buổi so với trước đây). Ngoài ra, các vật dụng mua sắm ban đầu như: mền, gối, chiếu, quạt (đối với các phòng không có điều hòa), thau, xà phòng… cũng được doanh nghiệp chi trả toàn bộ. Bên cạnh đó, nhằm động viên tinh thần cho người lao động, lãnh đạo công ty đã phụ cấp mỗi người 50.000 đồng/ngày khi thực hiện “3 tại chỗ” trong nhà máy. Không chỉ vậy, việc sản xuất kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước, khi các tuyến đường của các tỉnh phía nam không lưu thông được, người dân làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không hoạt động sản xuất. Đồng thời, hàng hóa công ty không phân phối đến người tiêu dùng kịp thời, dẫn đến doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng. Những điều này khiến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm sút và thua lỗ.


Từ các khó khăn nêu trên, công ty kiến nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tạo điều kiện để người lao động đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin được đi làm và về nhà bình thường như trước đây. Về tài chính, doanh nghiệp mong được hỗ trợ đơn giá hoặc miễn giảm tiền điện và tiền nước cho doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí các suất ăn cho doanh nghiệp trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”. Đồng thời, nhằm giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp cũng được miễn đóng tiền kinh phí công đoàn và thuế đất nguyên thổ năm 2021.


Đình Lâm (ghi)

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep/202110/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-8230571/