Đầu ra bấp bênh đã khiến cho diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt thấp so với kế hoạch. Các tháng cuối năm, nghề nuôi thủy sản càng thêm bất lợi khi mùa mưa bão đang đến gần. Trước mắt, người nuôi cần chú ý thời tiết giao mùa để giảm thiểu thiệt hại.
Diện tích thả nuôi giảm
Từ đầu năm đến nay, do khó khăn trong việc tiêu thụ thủy sản nên các hộ NTTS trên địa bàn phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đã quyết định “treo ao” để tránh thua lỗ. Toàn phường Ninh Hải có 40ha ao đìa nuôi thủy sản nhưng diện tích thả nuôi chỉ đạt 1/4, chủ yếu là ốc hương. “Nhiều tháng nay, chúng tôi không dám mạo hiểm thả nuôi các loại thủy sản bởi đầu ra rất bấp bênh. Cách đây chừng 2 tháng, một số hộ thả nuôi ốc hương trở lại nhờ giá ốc tăng. Hiện nay, lo ngại đầu ra sẽ gặp khó khăn sau đợt bùng phát dịch Covid-19 nên nhiều hộ đã phải dừng kế hoạch thả nuôi các loại thủy sản”, ông Nguyễn Thế Tâm – người nuôi ốc hương tại phường Ninh Hải cho hay.
Trên địa bàn thị xã có 1.950ha phục vụ NTTS nhưng mỗi vụ, người dân chỉ thả nuôi hơn 1.500ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú hơn 200ha, tôm thẻ chân trắng hơn 700ha, còn lại là các loại thủy sản khác. Hiện nay, do thời tiết bất lợi, cùng với dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích ao khiến người nuôi thua lỗ; đầu ra bấp bênh nên nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng theo hướng quảng canh, xen ghép với các đối tượng nuôi khác, thậm chí nhiều hộ “treo ao” chờ thời tiết thuận lợi, thị trường hồi phục mới tiếp tục nuôi.
Tại huyện Vạn Ninh, tình hình NTTS của người dân cũng không mấy khả quan, diện tích thả nuôi đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, toàn huyện chỉ có 668ha ao đìa thả nuôi thủy sản và khoảng 34.000 lồng, bè. Tổng sản lượng người dân đã thu hoạch chỉ đạt 1.677 tấn, bằng 59,89% kế hoạch năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư – Phó Trưởng phòng NTTS (Chi cục Thủy sản) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, hoạt động NTTS của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Diện tích nuôi ở vùng nước mặn, nước lợ trong ao đìa chỉ đạt hơn 2.500ha, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ bằng 68% so với cuối tháng 7 năm trước, diện tích nuôi tôm sú bằng 78%. Nuôi bằng lồng bè cũng giảm nhiều, chỉ đạt 69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi cá chỉ đạt 55%, nuôi tôm 77%… Diện tích thả nuôi giảm đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển thủy sản năm nay của tỉnh.
Thận trọng thời tiết giao mùa
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, kế hoạch NTTS tại các địa phương đã bị phá vỡ. Theo nhận định của Chi cục Thủy sản, các tháng cuối năm, tình hình sẽ khó khăn hơn khi đầu ra của các loại thủy sản vẫn rất bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, các tháng cuối năm là thời điểm mùa mưa bão nên người dân cần thận trọng trong việc NTTS, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay.
Theo ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chi cục đã khuyến cáo người dân thận trọng trong NTTS. Trước hết, cần tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp bảo vệ an toàn cho người và thủy sản nuôi. Trong quá trình nuôi, cần xử lý kỹ nguồn nước đưa vào ao nuôi, quản lý tốt chất thải, tránh để dịch bệnh lây lan ra môi trường… Để thích ứng với thị trường, người nuôi cần xem xét, tính toán kỹ đối tượng, số lượng nuôi trước khi thả giống. Khi mùa mưa bão đến, bên cạnh gia cố ao đìa, lồng bè nuôi để đảm bảo an toàn, người nuôi cần thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm.
Trước mắt, để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết giao mùa, đối với nuôi thủy sản ao đìa, người nuôi cần giữ mực nước trong ao hợp lý; thường xuyên quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ nước, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan phù hợp với sinh trưởng và phát triển của thủy sản, nhất là vào sáng sớm và chiều tối; thường xuyên giám sát môi trường, quan sát hoạt động của thủy sản nuôi, khi có dấu hiệu bất thường cần áp dụng ngay các biện pháp như bổ sung nước, tăng cường oxy cho ao nuôi. Bên cạnh đó, cần có chế độ cho ăn phù hợp, bổ sung thêm vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Đối với nuôi thủy sản lồng bè, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe thủy sản và theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi bất thường để chủ động phòng và trị bệnh cho thủy sản. Người nuôi cần chú ý bổ sung các loại vitamin C, B complex và các enzym tiêu hóa vào trong khẩu phần thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202008/than-trong-nuoi-thuy-san-luc-giao-mua-8179266/