Cơn bão số 12 đã khiến cho hơn 1.600 phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị chìm, hư hỏng, trong đó phần lớn là tàu cá dưới 90CV. Hiện nay, các chủ tàu mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ để sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, đời sống.
Những ngày này, các xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền tại khu vực Bình Tây (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) tấp nập người vào ra, chủ yếu là chủ các tàu cá bị chìm, hư hỏng sau bão. Ông Huỳnh Lượm – chủ một cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền ở địa phương cho biết: “Hiện nay, nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của người dân thị xã Ninh Hòa và các địa phương lân cận tăng đột biến. Cơ sở chúng tôi đã sửa xong cho 6 chiếc bị gãy mạn, vỡ đáy, hư máy… Hiện nay vẫn còn hơn 10 chiếc nằm chờ”. Theo ông Lượm, khó khăn nhất hiện nay là thiếu thợ và thiếu vật liệu, trong đó nguồn gỗ để sửa lại tàu thuyền rất khan hiếm. Ngoài ra, chi phí để khôi phục lại tàu cũng tương đối lớn, tàu công suất nhỏ, hư hỏng nhẹ thì mất vài chục triệu đồng; tàu công suất lớn, hư hỏng nặng thì mất hàng trăm triệu đồng nên nhiều chủ tàu vẫn chưa có điều kiện sửa chữa.
Cơn bão số 12 đã khiến cho tàu cá dưới 50CV của gia đình ông Phạm Văn Bình (Tổ dân phố 6 Bình Tây) bị vỡ đáy, chìm, hư hỏng hơn 90%. Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu nhân công nên ông vẫn chưa trục vớt tàu để đưa đi sửa lại. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để ngư dân sớm khôi phục lại tàu thuyền, tái sản xuất, ổn định đời sống”, ông Bình nói.
Trên địa bàn phường Ninh Hải có 4 tàu bị hư hỏng hoàn toàn, chìm không thể trục vớt, 57 tàu chìm có thể trục vớt, 33 tàu bị hư hỏng, phải khắc phục hơn 30%. Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: Đối với tàu cá bị hư hỏng hoàn toàn, chìm không thể trục vớt, trên địa bàn có 2 chiếc công suất trên 90CV, 82 chiếc công suất từ 90CV trở xuống; đối với tàu chìm có thể trục vớt được có 30 chiếc công suất trên 90CV, 146 chiếc công suất từ 90CV trở xuống… Phần lớn chủ tàu cá công suất nhỏ điều kiện vốn đã khó khăn, nay gặp bão càng khó khăn hơn.
Cơn bão số 12 đã khiến cho hơn 1.600 tàu cá (phần lớn là tàu có công suất dưới 90CV) bị chìm, hư hỏng. Trong đó, Vạn Ninh 868 chiếc, Ninh Hòa 319 chiếc, Nha Trang 232 chiếc, Cam Lâm 12 chiếc, Cam Ranh 178 chiếc. |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đối với tàu cá công suất 90CV trở lên, hiện nay đã có các chính sách hỗ trợ, tàu cá bị chìm, hư hỏng được cơ quan bảo hiểm đánh giá mức độ, chi trả để khắc phục thiệt hại. Đối với tàu cá dưới 90CV, do hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ nào nên người dân và chính quyền các địa phương đều mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ để ngư dân sớm khôi phục sản xuất sau bão.
Được biết, cuối tháng 11, Sở NN-PTNT đã có báo cáo, đề xuất phương án hỗ trợ cho tàu cá công suất dưới 90CV để các chủ tàu sớm khôi phục sản xuất. UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có thiệt hại về phương tiện khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT sẽ cùng với Sở Tài chính dự kiến kinh phí hỗ trợ cho từng đối tượng, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Hiện nay, ngành NN-PTNT đang chờ thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại từ các địa phương để cùng các sở, ngành liên quan dự kiến kinh phí hỗ trợ trình UBND tỉnh.
THANH LONG
Theo: Báo Khánh Hòa