Cùng với việc triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, năm 2021, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế cho biết:
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
– Năm 2021, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành và đạt một số chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, số bác sĩ/10.000 dân đạt 10,5 (vượt hơn 2 bác sĩ theo quy định); số giường bệnh/10.000 dân đạt 35,6 giường; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân 7,38% (thấp hơn so với quy định 2,7%), thể thấp còi 8,53% (thấp hơn 1,5%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92%. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả công tác điều trị và phòng, chống nhiều dịch bệnh.
Đặc biệt, giữa năm 2021, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh kịp thời chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch. Đến nay, dịch Covid-19 ở tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Toàn ngành đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 65.290 bệnh nhân Covid-19, chiếm hơn 92% số ca mắc; triển khai tiêm hơn 2.737.400 liều vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, trong đó mũi 1 là 1.091.899 liều, mũi 2 là 1.082.770 liều, mũi 3 là 757.020 liều. Số người từ 18 tuổi trở lên ở tỉnh đã được phủ đủ 2 mũi vắc xin đạt hơn 100%, mũi 3 đạt gần 80%. Tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt hơn 100%, mũi 2 đạt gần 97%.
– Qua 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, ông có thể cho biết những mặt được và chưa được của ngành Y tế tỉnh trong công tác phòng, chống dịch?
– Dịch Covid-19 chưa có tiền lệ trên thế giới, diễn biến của dịch quá nhanh, chính vì thế, khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, thời gian đầu ngành Y tế tỉnh rất lúng túng và bị động trong công tác chống dịch. Nguyên nhân là do đội ngũ nhân lực của ngành chưa được đào tạo để ứng phó với đại dịch Covid-19; một số trang thiết bị dùng để điều trị Covid-19, nhất là những trang thiết bị điều trị đặc hiệu, máy xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2… thiếu nhiều, không đáp ứng kịp cho công tác chống dịch; hệ thống y tế tuyến cơ sở (tuyến huyện và xã) thiếu nhân lực và cả trang thiết bị nên ứng phó lúng túng, không kịp thời.
Tuy nhiên, sau đó, nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, sự vào cuộc của ban, ngành, đoàn thể; sự đoàn kết giữa y tế công và tư; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp; sự đồng lòng của người dân đã huy động được nguồn sức mạnh to lớn cho ngành Y tế. Qua đó, giúp ngành dần khắc phục được những hạn chế trên, nguồn nhân lực và trang thiết bị được bổ sung kịp thời theo từng giai đoạn của dịch bệnh. Cùng đó, với phương thức quản lý ngành dọc nên việc huy động, điều chuyển nhân lực, trang thiết bị của ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã được triển khai nhanh chóng. Đặc biệt, nguồn kinh phí chống dịch được UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời, giúp ngành triển khai có hiệu quả công tác chống dịch.
Nhờ tất cả sự hỗ trợ trên, qua 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, Khánh Hòa là một trong những tỉnh đã huy động và sử dụng tốt nguồn nhân lực và trang thiết bị tại chỗ mà không có sự hỗ trợ nguồn nhân lực từ các địa phương khác.
– Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mới thấy được tầm quan trọng của hệ thống y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở. Ông có thể cho biết định hướng phát triển trong thời gian tới của ngành Y tế tỉnh đối với 2 hệ thống trên?
– So với hệ điều trị, hiện nay, hệ y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đây là thực trạng chung trong cả nước, không riêng tỉnh Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa, đối với hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh thì nguồn nhân lực và trang thiết bị đáp ứng cơ bản cho công tác chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh lưu hành thường xuyên tại tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh – đơn vị đứng đầu triển khai các hoạt động y tế dự phòng chưa đáp ứng được, còn nhỏ lẻ, rải rác nhiều nơi. Đối với tuyến y tế cơ sở, thông qua các dự án trong và ngoài nước nhiều năm qua đã được đầu tư xây mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong chuyên môn để thực hiện song song 2 nhiệm vụ điều trị và dự phòng. Tuy nhiên, về nguồn nhân lực tuyến này hiện nay rất thiếu, nhất là đội ngũ bác sĩ.
Nhận thấy được những bất cập trên, Sở Y tế đã có những định hướng phát triển cụ thể. Về cơ sở vật chất của CDC, Sở Y tế đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây mới trên diện tích khoảng 1ha, đặt tại xã Vĩnh Trung, dự kiến giai đoạn 2022-2025 dự án sẽ được triển khai. Đối với tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế xây dựng chính sách bổ sung nguồn nhân lực thông qua việc tăng định biên biên chế cho y tế tuyến xã, có cơ chế cho phép hợp đồng cán bộ y tế làm công tác chuyên môn; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, xã. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị y tế cho toàn ngành theo quy định hàng năm, giai đoạn 2022-2025, ngành sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị y tế cho một số đơn vị như: Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm, Bệnh viện Ninh Diêm và Phòng khám đa khoa khu vực Tu Bông (huyện Vạn Ninh).
– Để hoạt động của ngành Y tế đạt hiệu quả hơn trong những năm tới, nhất là có thể ứng phó kịp thời các đại dịch có thể xảy ra như dịch Covid-19, ông có kiến nghị gì?
– Hiện nay, chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực cho ngành Y tế của tỉnh nhiều năm qua không thay đổi, nhất là hỗ trợ về mặt kinh phí quá thấp nên việc thu hút không hiệu quả. Tôi mong sớm có sự đột phá về chính sách này ở tỉnh để ngành tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng về cho các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, tôi xin gửi lời tri ân, cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ cán bộ y tế toàn tỉnh, nhất là sự ủng hộ và hy sinh vô điều kiện của gia đình, người thân của các y, bác sĩ, cán bộ y tế để họ an tâm dốc toàn lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
– Xin cảm ơn ông!
THẢO LY (Thực hiện)