Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi các địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện Nghị định 141 ngày 7-12-2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động có, hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Trao đổi về vấn đề này, bà Trịnh Thị Hợp – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết:
– Theo Nghị định 141, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Cụ thể, vùng II gồm: TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh áp dụng mức lương 3.530.000 đồng/tháng; vùng III gồm: thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm áp dụng mức lương 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV gồm: huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh áp dụng mức lương 2.760.000 đồng/tháng.
– Để việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng được kịp thời, đúng thời gian quy định, hiện nay, sở đã có hướng dẫn, đề nghị nào đối với các địa phương, DN, thưa bà?
– Hiện nay, sở đã đề nghị phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát. Hướng dẫn DN thực hiện điều chỉnh thang, bảng lương và thẩm định, cho ý kiến về thang, bảng lương của DN.
Về phía các DN cần phối hợp với tổ chức đại diện tập thể NLĐ để thỏa thuận điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho NLĐ phù hợp, đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời tương quan hợp lý tiền lương giữa NLĐ chưa qua đào tạo nghề với NLĐ đã qua đào tạo nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại đơn vị. Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN.
– Đợt bão vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho nhiều DN. Vậy các DN này có được giảm, hoãn, chậm thực hiện lương tối thiểu vùng không, thưa bà?
– Hiện nay, pháp luật về lao động chưa có quy định về việc giảm, hoãn, chậm thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng cho những DN bị thiệt hại do thiên tai. Do vậy, tất cả các DN trên địa bàn tỉnh đều bắt buộc phải thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới theo quy định tại Nghị định 141 của Chính phủ.
Đối với những DN bị thiệt hại nặng do thiên tai, căn cứ vào quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì chỉ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất (tỷ lệ đóng của 2 quỹ này là 22%). Điều kiện được tạm dừng đóng thuộc một trong hai trường hợp sau:
+ Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
+ Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng và khi hết thời gian tạm dừng đóng, người sử dụng lao động và NLĐ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng. Hiện nay, sở đã ban hành công văn gửi cho các DN trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn điều kiện và thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.
– Xin cảm ơn bà!
VĂN GIANG (Thực hiện)
Theo: Báo Khánh Hòa