Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý thuế.

   
Khó quản lý

Nắm bắt tiện ích của mạng xã hội, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân ở TP. Nha Trang xem đây là kênh hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Bà Huỳnh Thị Kiều Sương – Giám đốc Công ty Cổ phần Đặng Gia cho biết: “Công ty có cửa hàng kinh doanh cố định, nhưng muốn mở rộng mạng lưới khách hàng nên thực hiện quảng cáo sản phẩm trên mạng mấy năm nay. Khi bán hàng qua mạng, nhiều khách biết sản phẩm của cửa hàng hơn, doanh thu cũng ổn định hơn. Thay vì phải đến cửa hàng, khách chỉ cần đặt hàng trên mạng và sẽ được giao tận nơi. Khi bán hàng cho khách trực tiếp tại cửa hàng hay bán trên mạng, cửa hàng đều xuất hóa đơn và kê khai thuế đầy đủ”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Công ty TNHH Thiên Trường An, đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Công ty TNHH Thiên Trường An, đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Theo ông Nguyễn Trung Dương – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Trường An, DN có hoạt động kinh doanh TMĐT từ tháng 12-2015. Sau khi cơ quan thuế rà soát, đối chiếu doanh thu kinh doanh TMĐT, ngoài nghĩa vụ thuế của mình, công ty đã thực hiện nộp thay nhà thầu nước ngoài với tổng số thuế từ năm 2015 đến tháng 6-2017 hơn 246,3 triệu đồng. 

 
Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng chấp hành tốt việc kê khai, nộp thuế. Theo lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Nha Trang, kinh doanh TMĐT là phương thức bán hàng mới, mỗi tổ chức, cá nhân có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt nên dễ tạo ra những kẽ hở, khó quản lý, giám sát. Cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của các DN để quản lý thu đúng, thu đủ tiền thuế phát sinh vào ngân sách. Bởi các giao dịch TMĐT ở diện rộng, có thể trong và ngoài nước. Việc xác định dữ liệu tại nơi phát sinh thu nhập, nơi xử lý và nơi sử dụng cho mục đích tính thuế hay xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú, đặc điểm thu nhập… không dễ. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan chưa chặt chẽ nên công tác quản lý thu cũng gặp trở ngại. Bên cạnh đó, để thanh tra, kiểm tra thuế lĩnh vực này đòi hỏi công chức thuế phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, tinh thông tin học, ngoại ngữ, có kiến thức về các giao dịch TMĐT…

Cần phối hợp đồng bộ

Bà Đỗ Thị Diệu Trinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết, thực hiện công văn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, chi cục đã triển khai đến toàn thể công chức thực hiện các nội dung như: tuyên truyền qua đài truyền thanh, truyền hình, gửi văn bản qua email cho DN, đề nghị các đơn vị có hoạt động kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định. Các đội thuế phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt, rà soát tình hình hoạt động ở lĩnh vực này để đưa vào quản lý; yêu cầu tất cả đơn vị có kinh doanh dịch vụ khách sạn kê khai (nếu có hoạt động kinh doanh qua các trang mạng Google, Facebook…). Bên cạnh đó, các đội thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố nắm bắt thông tin, khai thác thông tin trên các trang mạng xã hội, tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT. Từ đó, có cơ sở yêu cầu tổ chức, cá nhân có kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế…

Bước đầu, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã đưa vào quản lý thu thuế 9 DN kê khai thuế đối với nhà thầu nước ngoài hoạt động kinh doanh đặt phòng khách sạn trực tuyến. Đồng thời, rà soát được danh sách website của 31 tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT, có chủ thẻ tại TP. Nha Trang để đưa vào quản lý thu thuế.

Rõ ràng, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh TMĐT, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, ban, ngành như: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp trang mạng xã hội: facebook, zalo, instargram… cung cấp danh sách các website bán hàng… Qua đó, giúp cơ quan thuế đôn đốc kê khai, nộp thuế. Cùng với việc khuyến khích giao dịch thanh toán trực tuyến, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thông qua các công ty giao nhận, bưu chính, chuyển phát, tổ chức tín dụng để nắm danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT chưa kê khai, nộp thuế… xử lý theo luật định.

NGUYỄN KIM

 


Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế: DN được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam phải kê khai, nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (nếu có), tạm nộp thuế thu nhập DN. Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT mà có tổng doanh thu từ tất cả các loại hình kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt (nếu kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt)… Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT hoặc có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, ngoài nộp lệ phí môn bài (nếu có văn phòng đại diện tại Việt Nam) còn phải kê khai thuế như sau: nếu là tổ chức thì kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, tiêu thụ đặc biệt (nếu có); nếu cá nhân thì nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt (nếu có).


Theo: Báo Khánh Hòa