Việc sắp xếp, cơ cấu lại đội tàu khai thác đã giúp công tác quản lý, chống khai thác thủy sản (KTTS) bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) được hiệu quả hơn.
Rà soát, sắp xếp đội tàu
Để phát triển KTTS một cách bền vững, những năm qua, tỉnh đã tiến hành rà soát để sắp xếp, cơ cấu lại đội tàu phù hợp theo nguồn lợi ở 3 vùng khai thác: Ven bờ, lộng và khơi. Đến nay, đội tàu KTTS trong toàn tỉnh có 3.357 tàu, trong đó 2.610 tàu hoạt động ở vùng lộng và ven bờ, 747 tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ. Để quản lý đội tàu này, cơ quan chức năng đã tiến hành cấp giấy phép khai thác cho đội tàu cá trong tỉnh và yêu cầu các tàu cá phải hoạt động đúng theo vùng quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố hạn ngạch 748 giấy phép KTTS xa bờ cho đội tàu của tỉnh; đến nay, 100% tàu khai thác xa bờ của tỉnh đã được cấp giấy phép KTTS. UBND tỉnh đã công bố hạn ngạch 1.909 giấy phép KTTS vùng ven bờ và 791 giấy phép KTTS vùng lộng. Đến nay, hơn 98% tàu cá hoạt động ở 2 vùng này đã được cấp giấy phép khai thác.
Ông Lê Đình Khiêm – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản) cho biết: “Thời gian qua, việc cơ cấu lại đội tàu khai thác đã thực hiện theo hướng chuyển dần từ khai thác ven bờ ra khai thác xa bờ, loại bỏ dần các nghề khai thác mang tính hủy diệt sang các nghề thân thiện với môi trường. Để phát triển đội tàu khai thác xa bờ, những năm qua, ngư dân trong tỉnh đã được hỗ trợ nâng cấp và tăng cường đầu tư trang thiết bị trên tàu cá, vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa bảo đảm an toàn cho lao động trên tàu. Trong số 747 tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh đã có gần 100 tàu vật liệu vỏ composite với trang thiết bị khai thác và bảo quản sản phẩm hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cùng với sắp xếp lại đội tàu, chuyển dần sang khai thác xa bờ, hoạt động của các tàu cá xa bờ trong tỉnh được tổ chức theo 8 nghiệp đoàn nghề cá và hơn 70 tổ đội sản xuất để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong hoạt động trên biển. Đồng thời, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 3 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh. Các chuỗi liên kết này hoạt động ổn định, thu hút hơn 150 tàu khai thác cá ngừ tham gia.
Tiếp tục chống khai thác bất hợp pháp
Nhờ chú trọng rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đội tàu nên thời gian qua, công tác quản lý KTTS được thực hiện tốt hơn. Từ đó, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ tháng 10-2018 đến nay, không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. “Để ngư dân tuân thủ quy định chống khai thác IUU, nhất là các tàu khai thác tại vùng biển giáp ranh với lãnh hải của nước khác, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vì lợi ích kinh tế của mình, cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”, ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói.
Tuy công tác chống khai thác IUU đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Đơn cử như tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), trong 3 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra, kiểm soát nghề cá ở cảng đã ghi nhận 17 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, chủ yếu do khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký KTTS, không báo cáo theo quy định… Ban Quản lý cảng Hòn Rớ đã gửi hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, để tiếp tục chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của EC (Ủy ban châu Âu), thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương ven biển trong tỉnh rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, những địa bàn trọng điểm vi phạm, có nguy cơ vi phạm khai thác IUU để tuyên truyền, vận động trong cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, đôn đốc ngư dân khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời nhắc nhở những tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Cùng với đó, công tác kiểm soát tàu cá ra – vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi, có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu giữa các bên có liên quan, đối chiếu với cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, hệ thống giám sát hành trình tàu cá nhằm phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định…
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202104/tang-cuong-quan-ly-khai-thac-thuy-san-8212401/