Năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến cho sản xuất công nghiệp (CN) bị ảnh hưởng trầm trọng. Bước sang năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ tăng cường phát triển CN để cân bằng lại cơ cấu kinh tế.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả “mục tiêu kép”

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Theo lãnh đạo Sở Công Thương, chỉ số sản xuất CN năm 2021 giảm 4,6% so với năm 2020 (chỉ tiêu đề ra là tăng 5% so với năm 2020). Trong đó, CN khai khoáng giảm 29,66%; CN chế biến, chế tạo giảm 4,49%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước giảm 2,77%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,64%. Tuy nhiên, một số ngành CN chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng so với năm trước như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 12,93%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 12,19%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 6,83%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,05%; sản xuất dụng cụ thể thao tăng 23,66%…



Cảng Quốc tế Nam Vân Phong.

Môt góc Cảng Quốc tế Nam Vân Phong.



Ông Nguyễn Sanh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, dịch Covid-19 đợt thứ tư bùng phát kéo dài đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành CN trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp CN đã hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch. Năm 2022, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, sự biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hoạt động CN, thương mại Khánh Hòa dự báo sẽ gặp những khó khăn, như: giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao; dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; thị trường xuất khẩu gặp khó do hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại. Một số ngành, sản phẩm chủ lực còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ bị tổn thương với biến động của thị trường, dịch bệnh…


Để hạn chế những khó khăn và thách thức nói trên, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, nhằm phát huy kết quả đạt được để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp


Trong năm 2022, Sở Công Thương phấn đấu đưa chỉ số sản xuất CN tăng 5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.365 triệu USD, tăng 5% so với năm 2021 và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 850 triệu USD, tăng 18% so với năm 2021. Để đạt được những mục tiêu đó, sở xác định phải tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất CN, trong đó tập trung tái cơ cấu chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là các ngành CN chế biến, chế tạo theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường nhất định. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng phương án phát triển CN, khu công nghệ cao, cụm CN, phát triển hạ tầng điện lực và năng lượng, phát triển hệ thống thương mại thời kỳ 2021 – 2030, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, xây dựng đề án chiến lược phát triển CN, thương mại Khánh Hòa đến năm 2030.



Cảng Quốc tế Nam Vân Phong

Cảng Quốc tế Nam Vân Phong



Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian tới, Khánh Hòa vẫn xác định phát triển du lịch dịch vụ, nhưng đồng thời sẽ đẩy mạnh phát triển CN một cách nhanh nhất để cân bằng lại cơ cấu kinh tế. Ngành dịch vụ sẽ tập trung vào dịch vụ cảng biển, logistics và kêu gọi vào các khu CN mới, biến khu vực nam Vân Phong thành khu CN năng lượng. Sang năm 2023, khi Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Theo bà Lê Thu Hải – Giám đốc Sở Công Thương, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Sở Công Thương cũng tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư thứ cấp vào các cụm CN trên địa bàn tỉnh; tham mưu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm CN; đôn đốc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm CN, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; phối hợp các sở, ban, ngành kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực CN và hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ logistics và gắn kết công nghệ thông tin để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, sẽ khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng CN chế biến chế tạo thông minh để tạo bước đột phá về năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng các máy móc trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất CN thông qua chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương.


Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về định hướng xây dựng chính sách phát triển CN quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Chương trình phát triển CN và thương mại Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, ngành tăng cường gặp gỡ, trao đổi, đối thoại nắm bắt thông tin, đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành các công trình, dự án, sớm đưa vào hoạt động: cụm CN Sông Cầu, cụm CN Trảng É 2, cụm CN Diên Thọ, cụm CN Ninh Xuân và các dự án liên quan đến ngành Công Thương.


Đình Lâm

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202201/tang-cuong-phat-trien-cong-nghiep-8241741/