Ngày 12-5, Sở Ngoại vụ phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tập huấn về công tác biển, hải đảo và các quy định của pháp luật, chống khai thác IUU cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Thị Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết:



TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Bà Lê Thị Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Khánh Hòa
Bà Lê Thị Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Khánh Hòa


Qua tập huấn, ngư dân trên địa bàn tỉnh được cập nhật thông tin về tình hình Biển Đông và các vùng biển của Việt Nam; quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay; tổng quan về khai thác IUU, ranh giới và chế độ pháp lý của các vùng biển ngư dân được phép khai thác, nhiệm vụ giải pháp để ngăn chặn khai thác IUU trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngư dân còn được phổ biến các quy định trong đăng ký, đăng kiểm tàu cá, khai thác thủy sản; được hướng dẫn về hệ thống theo dõi hành trình tàu cá, ghi chép nhật ký khai thác điện tử… Đặc biệt, nội dung quan trọng tuyên truyền đến chủ tàu, thuyền trưởng, người hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản là công tác bảo hộ ngư dân.

– Thời gian qua, tình hình tàu cá, ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ như thế nào, thưa bà?


– Qua theo dõi công tác bảo hộ ngư dân, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 tàu cá và 48 ngư dân Khánh Hòa bị lực lượng chức năng Indonesia và Malaysia bắt giữ. Cụ thể, năm 2020 có 3 tàu cá và 26 ngư dân, trong đó có 9 ngư dân Khánh Hòa và 17 ngư dân tỉnh bạn bị tàu không rõ số hiệu của Indonesia bắt giữ. Năm 2021, có 1 ngư dân đi trên tàu cá Bình Định bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ, hiện đang thực thi án phạt tù tại nước sở tại. Năm 2022, có 4 ngư dân đi trên tàu cá của ngư dân ở Hòn Rớ (Phước Đồng, TP. Nha Trang), 32 ngư dân đi trên 3 tàu cá của ngư dân phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) bị phía Malaysia bắt giữ. Ngoài ra, đầu tháng 5 này, chúng tôi tiếp nhận thông tin 2 ngư dân Khánh Hòa đi trên tàu cá của Kiên Giang bị bắt giữ năm 2020 (nhưng mới báo cáo vào tháng 5-2022).

– Xin bà cho biết, Sở Ngoại vụ đã triển khai những hoạt động gì để bảo hộ tàu cá, ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ?


– Trong thời gian qua, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình tàu cá, ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời, đề nghị nhanh chóng giải quyết các vụ việc nhằm đưa ngư dân về nước và triển khai thực hiện công tác bảo hộ công dân đối với các trường hợp ngư dân Khánh Hòa gặp rủi ro, bị nạn ở nước ngoài.


Sở cũng đã cập nhật thường xuyên các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Biển Đông và công tác bảo hộ công dân; phối hợp với Cục Lãnh sự, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương liên quan thực hiện việc xác minh, hỗ trợ, thu xếp đưa ngư dân Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ trở về nước. Cụ thể, sở đã hỗ trợ giải quyết thủ tục cho 5 trường hợp ngư dân bị nước ngoài bắt giữ chấp hành xong hình phạt tù được trở về nước đoàn tụ với gia đình. Đây là những trường hợp bị Indonesia bắt giữ tháng 8-2020. Sở cũng đã có công văn đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ thực hiện công tác bảo hộ công dân đối với 1 ngư dân Khánh Hòa bị bắt giữ tháng 4-2021, 36 ngư dân của tỉnh bị bắt giữ trong tháng 3 và tháng 4-2022, 2 trường hợp ngư dân Khánh Hòa đi trên tàu cá Kiên Giang bị bắt giữ năm 2020.

– Xin cảm ơn bà!


HẢI LĂNG (Thực hiện)  

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202205/tang-cuong-ho-tro-bao-ho-ngu-dan-8251326/