Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, tính đến ngày 15-11, khu vực miền Trung ghi nhận hơn 65.330 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH); trong đó có 358 ca nặng và 10 trường hợp tử vong. Số ca nặng và tử vong năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước và chưa có dấu hiệu giảm.
Tại Khánh Hòa, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 6-11, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.530 ca SXH. Trong đó, thị xã Ninh Hòa nhiều nhất với 1.447 ca, TP. Nha Trang 772 ca, huyện Vạn Ninh 391 ca, TP. Cam Ranh 317 ca, huyện Diên Khánh 259 ca, huyện Cam Lâm 244 ca và huyện Khánh Vĩnh 103 ca.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khuyến cáo tất cả các địa bàn tăng cường diệt lăng quăng 1 lần/tuần. Trong đó, có những địa phương phải diệt lăng quăng 2 lần/tuần. Đó là, thị xã Ninh Hòa có các xã, phường: Ninh An, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Thọ, Ninh Trung, Ninh Xuân, Ninh Thượng, Ninh Phước, Ninh Phú, Ninh Lộc, Ninh Ích, Ninh Đông, Ninh Hà, Ninh Giang; TP. Nha Trang có các xã, phường: Vĩnh Hòa, Vĩnh Ngọc, Xương Huân, Ngọc Hiệp; huyện Vạn Ninh có thị trấn Vạn Giã và các xã: Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Thạnh, Vạn Phú; huyện Diên Khánh có thị trấn Diên Khánh và các xã: Diên Lạc, Diên Sơn, Suối Hiệp, Diên Phú; huyện Cam Lâm có thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Phước Tây, Cam Hòa, Suối Cát, Suối Tân, Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc; TP. Cam Ranh có các xã, phường: Cam Phước Đông, Cam Bình, Cam Phú, Cam Thịnh Tây, Ba Ngòi; huyện Khánh Vĩnh có xã Khánh Thành.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, SXH thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có biểu hiện đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì. Từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện, như: Đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).
Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam. Một người có thể mắc bệnh SXH nhiều lần với những tuýp khác nhau. Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, như: Chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý điều trị tại nhà.
Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)