Năm 2022, toàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, qua đó giảm được hơn 2.000 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, toàn tỉnh sẽ tăng cường các giải pháp giảm nghèo bền vững nhằm từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025.


Kết quả vượt chỉ tiêu đề ra


Ông Tạ Hồng Quang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 12.877 hộ nghèo, chiếm 3,86% dân số. Đến cuối năm, toàn tỉnh còn 10.826 hộ nghèo, giảm được 2.051 hộ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch giảm 1.090 hộ nghèo). Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ và quyết tâm thoát nghèo của người dân. Qua đó cho thấy, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Trung ương, của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai mạnh mẽ, từng bước nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội về chính sách giảm nghèo đa chiều, khích lệ người nghèo vươn lên. 


TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ về giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh thuộc các cấp học trên địa bàn tỉnh được hưởng sự công bằng, bình đẳng về chất lượng. Trong năm qua, toàn tỉnh đã dành hơn 121,5 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác giảm nghèo về giáo dục. Kinh phí này được sử dụng hỗ trợ tiền ăn, học bổng, nhà ở, miễn giảm học phí, chi phí học tập… cho học sinh thuộc hộ nghèo, khuyết tật, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ở lĩnh vực y tế, các cấp, ngành, địa phương đã dành hơn 50,6 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, xã đảo, bãi ngang ven biển. Qua đó, giúp người dân có điều kiện khám, chữa bệnh kịp thời, giảm bớt chi phí cho gia đình.



Một hộ nghèo ở huyện Diên Khánh vay vốn chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế.
Một hộ nghèo ở huyện Diên Khánh vay vốn chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế.


Để hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, cấp xã và các hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay vốn các chương trình tín dụng chính sách. Tính đến cuối tháng 11-2022, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay hơn 504,2 tỷ đồng, cho các đối tượng vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 


Cùng với đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách được thực hiện khá tốt. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 25.550 người. Hầu hết những người sau đào tạo được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Để giúp người nghèo an cư lạc nghiệp, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường vận động nhiều nguồn để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 171 căn nhà với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 12.800 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tiền điện hàng tháng; hoạt động trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo cũng được thực hiện kịp thời với hơn 250 lượt người được hỗ trợ trong năm 2022. Tỉnh còn dành hơn 54,8 tỷ đồng triển khai trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công, trẻ em…


Năm 2023, phấn đấu giảm 1.870 hộ nghèo


Ông Tạ Hồng Quang cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm 1.870 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,64%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,56% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025). Để đạt được mục tiêu này, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương và tiếp tục bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để thực hiện chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh; huy động nguồn vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh;  kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua các phong trào, cuộc vận động vì người nghèo. Tỉnh cũng sẽ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo, tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân. 


Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo sau đào tạo tìm được việc làm; đẩy mạnh công tác khuyến nông – lâm – ngư nghiệp, hướng dẫn, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, giúp thoát nghèo bền vững; rà soát nhu cầu vay vốn và thực hiện tốt chính sách về tín dụng ưu đãi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, từng vùng nhằm tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, pháp luật về hỗ trợ giảm nghèo đối với các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội…



Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 10.826 hộ nghèo, chiếm 3,2%; 16.478 hộ cận nghèo, chiếm 4,86%. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo làm cơ sở để xây dựng các chương trình, đề án triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025; thực hiện các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội năm 2023 theo quy định hiện hành.


VĂN GIANG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202212/tang-cuong-cac-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung-8274215/