Trong ngày đầu thu phí, Trạm BOT Ninh Xuân đã bị một số tài xế phản đối yêu cầu dời trạm về tuyến tránh Ninh Hòa.
Tài xế phản đối
Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải bắt đầu từ 0 giờ ngày 16-12, Trạm BOT Ninh Xuân (Quốc lộ 26, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà) bắt đầu được phép thu phí. Thế nhưng ngay trước thời điểm thu phí hàng chục xe con, xe tải đã tập trung quanh trạm thu phí để phản đối. Đến trưa cùng ngày số tài xế phản đối có giảm đi nhưng trạm này vẫn không thể thu được phí.
Một tài xế cho rằng, Quốc lộ 26 là đường độc đạo hiện hữu, sở hữu của toàn dân. Đây là con đường đã có từ rất lâu nên nhà đầu tư chỉ làm khoảng 3km tuyến mới và nâng cấp cải tạo gần 47km trên toàn tuyến 105km là không hợp lý. “Nghị quyết số 437 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký năm 2017 nêu rõ, chỉ làm BOT trên tuyến đường mới, không cho phép làm trên con đường hiện hữu độc đạo. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư phải dỡ trạm thu phí tại Ninh Xuân chuyển về tuyến tránh Ninh Hòa. Vì tuyến tránh được xây mới, nhà đầu tư có thể đặt trạm thu phí”, một tài xế nói.
Tài xế Nguyễn Chí Hiếu cho biết, việc đặt trạm thu phí tại khu vực Ninh Xuân sẽ khiến chi phí vận chuyển bị tăng lên, dù đã được giảm giá. Những người này lấy ví dụ, chuyển một xe gạch trước đây được 500.000 nghìn đồng, nhưng giờ qua trạm mất thêm 80.000 nghìn đồng nữa, trong khi xăng dầu liên tục tăng, sẽ khiến tài xế giảm nguồn thu.
Tuy nhiên một số người dân thì cho rằng, việc nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 26 đã giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, giảm được tai nạn giao thông. Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì có quyền thu phí dưới sự kiểm soát của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chức năng của địa phương và người dân. Người dân cũng mong muốn để công khai minh bạch, mong kiểm toán nhà nước vào cuộc để kiểm tra toàn bộ dự án, từ tổng mức đầu tư, đến đơn giá thu phí, thời gian thu phí… có như vậy, người dân yên tâm và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Ghi nhận tại hiện trường, một số tài xế đã ghi âm việc phản đối trạm thu phí và phát liên tục trên loa di động. Tại khu vực thu phí, tình hình diễn ra tương đối căng thẳng, một làn thu phí đã bị bịt lại do một chiếc xe tải chạy vào, lật đầu nằm trong làn. Trong khi đó, hai đầu trạm thường trực có 4 xe tải, khi trạm đóng Barie chuẩn bị thu là các xe này lao vào giữa làn thu phí, đóng cửa không hợp tác mua vé.
Lực lượng chức năng, như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền thị xã Ninh Hòa cũng có mặt để giải tỏa ách tắc, bảo đảm thông suốt Quốc lộ 26.
Nhà đầu tư đề nghị hỗ trợ
Công ty TNHH Một thành viên Cico501 BOT Quốc lộ 26 vừa có văn bản gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, báo cáo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực Trạm thu phí Ninh Xuân.
Theo doanh nghiệp này, Trạm BOT Ninh Xuân đã đủ mọi điều kiện để bắt đầu thu phí, được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu thu, một số xe có hành động cản trở quá trình thu phí, tông ngã thanh barie, dừng tại barie nhưng không mua vé, cố tình vượt trạm, cố tình gây ách tắc giao thông và vòng xe nhiều lần hú còi inh ỏi gây rối trật tự công cộng. Đến 14 giờ cùng ngày, trạm không thể thu được đồng phí nào. “Trạm mở bán vé 2 lần: lần 1 từ 0 giờ và lần 2 là từ 2 giờ, nhưng cả hai lần đều không thu được phí và phải xả trạm. Thống kê sơ bộ có 30 xe liên tục quần qua trạm không hợp tác trong việc thu phí. Nhiều xe quấy rối tại trạm đòi miễn giảm hoàn toàn phí, tuy nhiên số xe này lại là xe không chính chủ. Mà theo quy định của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, muốn được miễn giảm phải là xe chính chủ tại địa phương được thu phí. Đây cũng là một trong những khó khăn cho chúng tôi, không có cơ sở để thực hiện miễn giảm. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền tăng cường hỗ trợ, tăng thêm lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và xử lý các hành vi cản trở thu phí theo quy định”, ông Phan Xuân Hạnh – Trạm trưởng Trạm thu phí Ninh Xuân nói.
Cũng theo trạm này, việc một số tài xế viện dẫn Nghị quyết 437 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý bởi, trước khi có nghị quyết này thì dự án đã được phê duyệt từ năm 2014 và đến năm 2015 là triển khai. Trong khi nghị quyết nêu trên chỉ có hiệu lực với những dự án BOT làm mới sau ngày Quốc hội ký thông qua. “Trước khi thu phí, công ty đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Ninh Hòa, thống kê và trình Bộ Giao thông vận tải miễn giảm phí cho 2.982 xe ở 19 xã, phường, trong bán kính 10km, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa”, vị đại diện Trạm Thu phí Ninh Xuân thông tin.
Dự án xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk có tổng chiều dài gần 50km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa xấp xỉ 18,5km (xây dựng mới 2,9km, còn lại là nâng cấp, cải tạo). Mức thu giá dịch vụ thấp nhất là 25.000 đồng/vé/lượt, cao nhất là 120.000 đồng/vé/lượt. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 806 tỷ đồng, dự kiến thu trong vòng 23 năm 8 tháng.
THÀNH NAM
Theo: Báo Khánh Hòa