Sau gần 20 năm khai thác, cầu Trần Phú (TP. Nha Trang) đã có những hư hỏng nhất định, đặc biệt là các gối cầu. Để đảm bảo an toàn giao thông, tăng độ bền khai thác cho công trình này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đầu tư sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Cầu Trần Phú được khởi công xây dựng năm 1999, đến năm 2002 hoàn thành. Đây là một trong những công trình tạo nên điểm nhấn trên tuyến đường dọc biển của TP. Nha Trang. Những năm qua, cơ quan quản lý thường xuyên duy tu vệ sinh bảo dưỡng các hạng mục cơ bản của cầu như: lưới chắn rác, hệ thống thoát nước trên cầu, vệ sinh khe co giãn, đánh gỉ sơn lan can cầu… Tuy nhiên, hiện nay, cầu xuất hiện một số hư hỏng về gối cầu, dầm cầu gây ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Cầu Trần Phú kết nối phía bắc và nam TP. Nha Trang

Cầu Trần Phú kết nối phía bắc và nam TP. Nha Trang

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trước đây, các dầm cầu hầu hết được thiết kế là dầm giản đơn, có 32 gối cầu chủ yếu được làm bằng thép. Trải qua nhiều năm khai thác, ảnh hưởng nước biển, nhiều gối cầu đã bị gỉ, tuy chưa ảnh hưởng đến kết cấu nhưng về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Phương án đưa ra là sẽ thay các gối cầu thép bằng gối cầu cao su, chịu được nước biển. Ngoài ra, trên 2 nhịp dẫn dầm giản đơn dài 33m bị bong tróc lớp bê tông bảo vệ mặt phía ngoài dầm tại một số vị trí dưới đáy, cạnh bên dầm và cánh dầm do cốt thép đai bị gỉ sét. Hư hỏng nhiều nhất là mặt phía hạ lưu do tiếp xúc trực tiếp với hơi ẩm và muối trong không khí, cá biệt nhịp 11 cốt thép đai bị hư hỏng nặng. Cùng với đó, một số khe co giãn hiện hữu rách tấm cao su do bị già hóa bởi ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường và tác động cơ học của các phương tiện lưu thông trên cầu.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Cầu Trần Phú đang được sửa chữa.

Cầu Trần Phú đang được sửa chữa.

Cầu Trần Phú dài gần 460m, bề rộng mặt cầu 22m, gồm 2 làn xe, mỗi làn 7,5m, lề đi bộ 2,75m, có dải phân cách giữa 1,5m. Cầu sử dụng gối chậu cho toàn bộ các vị trí gối, có 4 loại: gối cố định, gối di động 2 phương, gối di động 1 phương dọc và di động phương ngang.

Để sửa chữa các hạng mục trên, đối với gối cầu, đơn vị thi công sẽ đặt gối tạm (đúc sẵn) để kê dầm trong quá trình thay gối; tháo dỡ gối hiện hữu, đập bỏ đá kê gối hiện hữu, sau đó thay mới toàn bộ các gối trên 2 mố và 3 trụ bằng gối cao su nhằm tránh xâm thực mạnh của môi trường biển. Với những phần bong tróc bê tông xi măng bảo vệ tại dầm cầu, trụ cầu, đơn vị thi công sẽ quét một loại vữa gốc xi măng polyme cải tiến có chứa silica fume và chất ức chế ăn mòn để ngăn sự ăn mòn cốt thép trong bê tông và là lớp kết dính giữa bê tông cũ và mới. Tại các vị trí cốt thép bị hư hỏng nặng, nhà thầu tiến hành dán tấm cacbon composite bên ngoài mặt bê tông sau khi đã trám, nhằm tăng cường khả năng chịu lực cho dầm cầu.

Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự án sửa chữa cầu Trần Phú có tổng kinh phí dự toán hơn 14,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Hiện nay, đơn vị thi công vệ sinh bề mặt và sơn các dầm 33 từ nhịp 1 đến 4 (phía thượng lưu) và các trụ từ T1 đến T4. Đến thời điểm này, nhà thầu thi công đạt khoảng 15% tiến độ công trình, đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 4,5 tháng. Sở GTVT yêu cầu nhà thầu trong thời gian thi công nâng, hạ dầm phải bố trí lực lượng và thiết bị cảnh báo để phân luồng giao thông cho làn đường trái hoặc phải; khi thay gối cầu phải cấm lưu thông trên cầu để đảm bảo an toàn.

Được biết, các gối cầu đưa vào thay thế được sản xuất tại châu Âu. Để hạn chế rủi ro trong quá trình khai thác gây ra do chất lượng của gối và việc thay thế gối phức tạp, nhà thầu đã sử dụng gối có chất lượng uy tín trên thế giới như ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ và phù hợp với quy định của tiêu chuẩn thiết kế.

THÀNH NAM

Theo: Báo Khánh Hòa