Sau thành công đặt stent không phủ thuốc, stent phủ thuốc để điều trị tổn thương mạch vành, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa áp dụng thêm kỹ thuật đặt stent tự tiêu sinh học cho một số bệnh nhân (BN) với kết quả điều trị rất tốt. Đây là kỹ thuật mới, được các nước tiên tiến áp dụng trong vài năm trở lại đây.  

Cuối tháng 4, ông L.T.H (60 tuổi, TP. Nha Trang) vào BVĐK tỉnh trong tình trạng đau thắt ngực, tăng huyết áp. Sau khi đo điện tâm đồ, thực hiện một số cận lâm sàng phát hiện ông H. bị nhồi máu cơ tim, men tim tăng, chụp động mạch vành cho kết quả xơ vữa, hẹp 80% động mạch vành phải… Ông H. được chỉ định đặt stent tự tiêu nơi bị hẹp.

Mới đây, bà N.T.M (59 tuổi, thị xã Ninh Hòa) nhập BVĐK tỉnh với chẩn đoán bị hội chứng mạch vành cấp. Các xét nghiệm và đo điện tâm đồ cho thấy bà M. bị thiếu máu cơ tim, men tim tăng, gây nhiều cơn đau tức ngực kéo dài. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy xơ vữa dẫn đến hẹp 90% động mạch liên thất trước. Được bác sĩ tư vấn, bà M. đồng ý đặt stent tự tiêu sinh học vào động mạch vành liên thất trước.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Sau khi đặt stent tự tiêu sinh học, sức khỏe của cả hai trường hợp trên đều ổn định, hết đau ngực, đi lại và sinh hoạt bình thường. Đây chỉ là 2 trong gần 50 trường hợp mắc bệnh lý mạch vành có sức khỏe ổn định sau khi được đặt stent tự tiêu sinh học.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp cho biết, stent (giá đỡ) là một dụng cụ được đưa vào mạch máu động mạch vành nhằm mục đích giữ cho mạch máu thông thoáng, không bị tắc hẹp.

Một ca đặt stent tự tiêu sinh học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Một ca đặt stent tự tiêu sinh học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Trước đây, các stent đều làm bằng kim loại, sau khi đặt vào trong cơ thể, stent sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể BN. Điểm bất lợi của các loại stent này là có thể gây biến dạng động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi tim) nếu giá đỡ được đặt vào vị trí động mạch vành bị xoắn vặn hoặc gập góc; giảm khả năng co giãn động mạch vành và xuất hiện hiện tượng tái hẹp sau một thời gian dài đặt trong cơ thể. Để khắc phục hiện tượng tái hẹp, stent phủ thuốc ra đời với tỷ lệ tái hẹp thấp hơn rất nhiều so với stent không có thuốc. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, có xảy ra tình trạng huyết khối trong stent phủ thuốc, mặc dù tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng 0,5% số BN. Do đó, những BN được đặt stent phủ thuốc thường phải uống lâu dài 2 loại thuốc kháng tiểu cầu để phòng ngừa cục máu đông. Một bất lợi nữa của stent có phủ thuốc là lớp polymer dùng làm khung cho lớp thuốc phủ lên lâu ngày có thể gây kích thích mạch máu, phản ứng viêm mãn tính, rối loạn chức năng lớp nội mạc mạch máu tại vị trí đặt stent. Mặt khác, việc dùng nhiều stent kim loại trong động mạch vành cũng cản trở việc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khi cần thiết.

So với 2 loại trên, stent tự tiêu sinh học có nhiều ưu điểm, được làm từ polylactide là chất liệu tan tự nhiên (thường dùng làm các vật ghép y khoa như chỉ tan), được phủ một lớp thuốc để chống tái hẹp, sau khi được đặt vào trong lòng mạch máu qua 2 năm sẽ tự phân hủy hoàn toàn và để lại cấu trúc hình dạng tự nhiên của mạch máu, đưa đến khả năng co giãn của động mạch vành vẫn được duy  trì. Ngoài ra, khi đặt stent tự tiêu sinh học không xảy ra hiện tượng huyết khối nên BN không phải uống hai loại thuốc kháng tiểu cầu lâu dài. Thêm nữa, do tiêu hủy hoàn toàn nên khi có hiện tượng tái hẹp xảy ra thì việc đặt lại một stent tự tiêu khác sẽ không gặp khó khăn về mặt kỹ thuật.

Bác sĩ Thưởng khẳng định: “Qua 1 năm điều trị tổn thương mạch vành với stent tự tiêu sinh học cho gần 50 BN kết quả thu được rất tốt: không có BN phải tái thông mạch vành, không phát hiện huyết khối trong stent, không có BN tử vong. Tuy nhiên, không phải BN nào cũng đặt được stent tự tiêu sinh học, tùy thuộc vào thể trạng và tình hình bệnh, BN sẽ được chỉ định đặt stent loại gì cho phù hợp”.

Với việc áp dụng thành công kỹ thuật trên, các BN bị tổn thương mạch vành ở tỉnh có thêm nhiều lựa chọn trong điều trị bệnh.

Thảo Ly

Theo: Báo Khánh Hòa