Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017, diễn ra ngày 1-12.

Vị trí đặt trạm được tỉnh Tiền Giang đồng thuận

Chiều 1-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có thông cáo báo chí về tình hình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Cai Lậy. Trong đó, Bộ GTVT khẳng định: “Quá trình triển khai thực hiện dự án đã nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, trình tự thủ tục tuân thủ quy định pháp luật”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Về vị trí trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho rằng đã nghiên cứu các phương án đầu tư tăng cường mặt đường (nếu cần thiết), đồng thời nghiên cứu thêm phương án mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, so sánh lựa chọn vị trí đặt trạm BOT trên tuyến tránh và trên QL1 hiện tại. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương án mở rộng QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên QL1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60 km/giờ do đi qua đô thị. “Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên QL1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn”.

Sớm giải quyết vụ BOT Cai Lậy! - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang vào chiều 1-12 xả trạm, không có nhân viên thu phí Ảnh: LÊ PHONG

Trong khi đó, nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80 km/giờ. “Như vậy, chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên QL1 hiện hữu” – theo Bộ GTVT.

Với phương án trạm BOT Cai Lậy đặt trên QL1, phạm vi dự án bao gồm: xây dựng tuyến tránh và đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên QL1. Với phương án này, sẽ bảo đảm thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường QL1 hiện hữu được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên QL1 qua thị trấn Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả 2 tuyến QL1 và tuyến tránh.

Về phương án trạm BOT đặt trên tuyến tránh, phạm vi dự án chỉ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu phí các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy) nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên QL1 hiện hữu do các phương tiện sẽ tránh trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh. Trong điều kiện mặt đường QL1 hiện hữu không được cải tạo sẽ gây ùn tắc, tai nạn giao thông trên QL1 qua thị trấn Cai Lậy, không bảo đảm hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút nhà đầu tư.

Để tránh hệ lụy xấu phá vỡ phương án tài chính của dự án do không được thu phí hoàn vốn, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư hoàn chỉnh các công việc cần thiết, đã tiến hành giảm phí dịch vụ cho các phương tiện như trên và đến ngày 30-11-2017 đã tiến hành thu phí trở lại để hoàn vốn cho dự án.

“Tuy nhiên, ngay sau khi thu phí trở lại, nhiều phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng tiền lẻ, gây mất an ninh trật tự qua trạm thu giá dịch vụ. Nhà đầu tư phải nhiều lần xả trạm để tránh ùn tắc giao thông và có nguy cơ tiếp tục phải dừng thu phí. Bộ GTVT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức việc thu phí tại trạm để hoàn vốn cho dự án và có biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu phí Cai Lậy” – Bộ GTVT cho biết.

“Dự án không có gì sai” (!)

Chiều cùng ngày, trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Bộ GTVT đã báo cáo đầy đủ những mặt được và chưa được về các dự án BOT đến các cơ quan chức năng cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Về câu hỏi kéo dài tình trạng BOT Cai Lậy gây thiệt hại như thế nào, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết theo quy định pháp luật, các trạm thu phí giao thông đường bộ có ách tắc kéo dài 500 m thì xả trạm, không để kéo dài tình trạng ùn tắc. “Tuy nhiên, trạm BOT Cai Lậy cũng có một số thành phần quá khích, không ủng hộ thể hiện qua một số hành vi như tài xế đánh xe đến trạm thu phí rồi tắt máy, bỏ xe đi chỗ khác…” – ông Nguyễn Nhật nói.

Sớm giải quyết vụ BOT Cai Lậy! - Ảnh 2.

Trạm BOT Ninh An bị trả tiền lẻ gây ùn tắc giao thông Ảnh: KỲ NAM

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, sau ngày 1-8-2017, khi trạm BOT Cai Lậy dừng thu phí, Bộ GTVT cùng đồng thời đã rà soát lại toàn bộ căn cứ pháp luật thực hiện xây dựng dự án. Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ GTVT và Kết luận 475 ngày 25-9-2011 của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán dự án này cũng nêu rõ căn cứ kết quả kiểm toán, thanh tra cho thấy quy trình thủ tục lập và thực hiện dự án không có gì sai quy định. Kết quả thanh tra của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT cũng khẳng định trạm đặt đúng vị trí được phê duyệt và đúng quy trình thủ tục. Mặt khác, chính HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Bộ GTVT về việc xây dựng dự án BOT Cai Lậy và Nghị định 108/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng áp vào dự án cũng làm đúng quy định là cải tạo, nâng cấp đường theo hình thức BOT.

“Chỉ đến năm 2015, nhất là sau giám sát của Quốc hội trở đi, thì mới có quy định cấm đầu tư việc cải tạo, nâng cấp tuyến QL theo hình thức BOT” – Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin. 

Tiền lẻ lại làm khó BOT Ninh An

Ngày 1-12, nhiều tài xế vẫn dùng tiền lẻ qua trạm BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) gây ùn tắc giao thông dù cảnh sát giao thông đã có mặt để hỗ trợ phân luồng.

Ông Trần Phúc Tự , Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa, cho biết từ 0 giờ ngày 1-12, gần 170 ô tô thuộc 3 xã gần trạm thu phí này đã được miễn giảm 100% phí qua lại. Có khoảng 10 xe biển số địa phương dùng tiền lẻ để qua trạm. Một số tài xế đã được miễn phí nhưng vẫn tham gia sử dụng tiền lẻ. Về bức xúc trạm BOT QL26 xây cách trạm BOT Ninh An QL 1 khoảng 20 km, ông Tự cho rằng đơn vị không quản lý và trạm đó được xây dựng sau trạm Ninh An.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Ninh An, tổng cục đã trình Bộ GTVT thống nhất phương án giảm giá vé từ ngày 1-12-2017. Các ô tô loại 1 được miễn phí tại 2 xã Ninh Lộc, Ninh Quang và phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa). Ngoài ra, các xe vệ sinh môi trường hoạt động công ích, không thuộc các đơn vị kinh doanh, cũng được giảm toàn bộ phí khi qua trạm BOT Ninh An.

K.NAM

Miền Tây: Ùn ùn né trạm; chưa chịu giảm phí

Kể từ ngày trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đi vào hoạt động từ giữa tháng 4-2016 đến nay, các ngành chức năng chưa ghi nhận tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phản ứng tại chỗ giá thu phí tại đây. Sở dĩ như vậy là vì cách trạm thu phí khoảng 1 km có tuyến đường nông thôn rẽ từ QL1A đoạn phường Ba Láng đến phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để đi về thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tuyến đường này cũng có ngã rẽ trở ra QL1A nên trở thành trục “lộ chính”, hằng ngày phải gồng mình chịu đựng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt ô tô, xe khách, xe tải né trạm BOT cứ nối đuôi nhau ùn ùn chạy vào, bất chấp biển báo cấm xe quá tải ở đầu đường.

Sau hơn 2 năm bị “cày”, hiện con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Có những chỗ không còn là “ổ voi”, “ổ gà” mà là những cái hố sâu, dài hơn 1 m.

Về trạm BOT QL91, ông Nguyễn Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang (chủ đầu tư BOT QL91), cho biết 1.522 xe chở khách và xe tải có hợp đồng chạy tuyến cố định thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang khi đi qua trạm thu phí T2 tại Km50+050 của trạm BOT này vẫn chưa được thực hiện giảm vé từ 50%-100% vào ngày 15-10 vừa qua như dự kiến. Ngoài ra, việc giảm vé cho tất cả các phương tiện ô tô đi qua tạm BOT này vẫn chưa thể áp dụng từ ngày 1-11. Lý do, theo ông Khang, việc công ty có xem xét giảm mức giá vé hay không còn phải phụ thuộc vào Bộ GTVT. “Sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ có buổi làm việc với nhiều tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dự án BOT QL91 và đưa ra quyết định” – ông Khang nói.

Trước đó, dự án BOT QL91 liên tục bị doanh nghiệp vận tải ở An Giang và Kiên Giang phản ứng. Bởi lẽ, trạm thu phí T2 đặt tại Km50+050 trên QL91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ; còn trạm phí này được đặt ở cuối QL91 ngay sát nút giao của QL80 từ Kiên Giang lên nên xe đi từ QL80 vào TP Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí, dù chỉ sử dụng chưa tới 200 m trên tuyến nối BOT.

CÔNG TUẤN

Thế Dũng – Văn Duẩn

Theo: Người Lao Động