Cơ quan chức năng sẽ siết chặt hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ đăng ký phù hiệu tại địa phương khác nhưng lại hoạt động ở Khánh Hòa, gây khó khăn trong việc quản lý vận tải.


Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ được cấp biển số vàng hoạt động trong tỉnh, nhưng phù hiệu kinh doanh lại do tỉnh khác cấp. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh vận tải của những phương tiện này là không phù hợp, cần có biện pháp chấn chỉnh. Nghị định số 10 năm 2020 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau: Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe. 


TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


1
Xe kinh doanh vận tải hoạt động trên đường Thích Quảng Đức (TP. Nha Trang).


Tìm hiểu được biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ được cấp biển số vàng (trừ xe của các hãng taxi). Tuy nhiên, nhiều xe hoạt động chui không có phù hiệu, không tham gia các hợp tác xã vận tải; một số xe có phù hiệu nhưng do các tỉnh, thành khác cấp và hoạt động trong các hợp tác xã vận tải ngoài tỉnh. Thực tế, thực trạng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ hoạt động trá hình như taxi trên địa bàn tỉnh đã có từ một vài năm trước. Hành lang pháp lý để xử phạt những phương tiện này chưa thực sự rõ ràng, khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Nghị định số 10 năm 2020 của Chính phủ đã quy định rất rõ về các điều kiện kinh doanh vận tải, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng nhận diện và thuận tiện cho việc quản lý, tổ chức giao thông. Đặc biệt, quy định này sẽ hạn chế được “xe dù”, xe trá hình kinh doanh vận tải.


Theo Thượng tá Lê Quang Huy – Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, việc cấp biển số vàng cho xe kinh doanh vận tải được quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an “Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”. Các xe xin cấp mới, cấp đổi biển số vàng trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện đúng quy trình, quy định. Cụ thể, ngoài những giấy tờ bắt buộc theo quy định như: Giấy đăng ký xe, sổ đăng kiểm, chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) của chủ xe… thì cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải. Sau khi được cấp, việc hoạt động, kinh doanh sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải kiểm tra, giám sát.


Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, mọi cá nhân, đơn vị đều có quyền kinh doanh vận tải khi đủ các điều kiện nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Thông qua thiết bị giám sát hành trình, những xe có phù hiệu ở tỉnh khác mà hoạt động tại Khánh Hòa thì thời gian chạy không được quá 30% tổng thời gian hoạt động, nếu vượt quá là vi phạm pháp luật. Sau khi rà soát và nhận thấy những bất cập này, lãnh đạo sở đang yêu cầu Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại, mời các chủ phương tiện lên làm rõ các vấn đề, từ đó có hướng dẫn để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh khi hoạt động trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng các quy định. Sau khi hướng dẫn các thủ tục, sở sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát. Nếu các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cố tình thực hiện sai thì sẽ bị xử lý nghiêm. 


THÀNH NAM


Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202203/siet-chat-quan-ly-xe-kinh-doanh-van-tai-duoi-9-cho-8245382/