Trước tình trạng khai thác cát ở những nơi chưa được cấp phép vẫn diễn ra dai dẳng, một trong những giải pháp khá cứng rắn được UBND thị xã Ninh Hòa đưa ra đó là sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở những xã, phường để xảy ra khai thác cát trái phép.

Dai dẳng khai thác trái phép

Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, từ năm 2011 đến 2018, trên địa bàn có 13 lượt doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi. Đến nay có 5 doanh nghiệp đã khai thác xong, 4 doanh nghiệp đang khai thác, 1 đơn vị chưa khai thác và có 3 đơn vị đã ngừng hoặc tạm ngừng khai thác. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các công ty đã khai thác theo giấy phép được cấp và phương án được phê duyệt, chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, thường xuyên duy tu tuyến đường vận chuyển, không làm sạt lở bờ sông. Ngoại trừ 1 trường hợp năm 2017 đã tiến hành khai thác trước thời hạn được cấp phép và trong thời gian thực hiện phương án cải tạo, khơi thông dòng chảy ngã ba sông Cái – sông Lốp – sông Tân Lâm tại xã Ninh Bình có hiện tượng sạt lở bờ sông. UBND thị xã đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị này ngưng khai thác trước thời hạn cho phép.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
2 thuyền hút cát trái phép đang hoạt động trên sông Cái Ninh Hòa đoạn qua xã Ninh Xuân.

2 thuyền hút cát trái phép đang hoạt động trên sông Cái Ninh Hòa đoạn qua xã Ninh Xuân.

Theo ông Lê Bá Thuận – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, UBND thị xã đã thường xuyên chỉ đạo các xã, phường, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng viết cam kết không vi phạm; chỉ đạo quyết liệt các phòng chuyên môn, UBND cấp xã, Công an thị xã phối hợp kiểm tra thường xuyên, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép; triển khai lắp đặt barie tại lối vào bờ sông để ngăn chặn tình trạng vận chuyển cát trái phép trên địa bàn xã Ninh Xuân, Ninh Thượng. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số khu vực đang là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, đặc biệt là khu vực trên sông Cái đoạn qua xã Ninh Xuân, Ninh Tây và khu vực suối Đá ở xã Ninh Thượng.

Đợt giám sát của HĐND tỉnh vào trung tuần tháng 3-2018 cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Cái đoạn qua xã Ninh Xuân diễn ra khá nhộn nhịp. Những tiếng lạch bạch rền vang phát ra từ những chiếc máy hút cát đang hoạt động hết công suất. Rải rác 2 bên bờ sông là những ống hút ngổn ngang được lắp đặt từ bờ hướng ra lòng sông. Theo bà Nguyễn Thị Cải – người dân sống ở đây, hầu như ngày nào cũng có tàu thuyền tới hút cát, gây sạt lở bờ sông, nuốt đất sản xuất. Hoạt động hút cát nơi đây diễn ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều diện tích đất sản xuất đã sạt lở, vườn của nhà bà ngày một ít đi mà nạn cát tặc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Được biết, ngoài 3 khu vực được quy hoạch, tại Ninh Hòa còn khá nhiều khu vực có cát tập trung tại các sông, suối, hồ chứa nước như: hồ Đá Bàn (Ninh Sơn), Suối Trầu (Ninh Xuân), Hòn Khói (Ninh Thủy), sông Cái (Ninh Sim, Ninh Xuân), suối Nhơn (Ninh Tân)… Do nhu cầu cát xây dựng rất lớn, vượt quá nguồn cung so với các khu vực được cấp phép nên tình trạng “cát lậu” càng diễn biến phức tạp và khó giải quyết dứt điểm.

Trách nhiệm người đứng đầu

Tình trạng khai thác cát trái phép dai dẳng trên địa bàn có nhiều nguyên nhân. Ngoài việc địa bàn rộng, lực lượng mỏng, thiếu phương tiện chuyên dụng để tổ chức kiểm tra, truy đuổi… thì một vấn đề cũng được đề cập tới là hành lang pháp lý chưa thực sự đủ mạnh. Bởi theo Nghị định số 33 ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, hành vi khai thác cát trái phép bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10m3. Số tiền này tăng dần lên tùy vào khối lượng khai thác bị phát hiện. Và phải đến mức 50m3 trở lên, cơ quan chức năng mới có quyền tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm.

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn chỉ có 3 khu vực cát xây dựng nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh. Đó là khu vực dọc sông Lốp qua xã Ninh An; sông Đá Bàn đoạn qua xã Ninh Sơn và khu vực suối Nhà Chay ở xã Ninh Hưng. Tổng trữ lượng 3 khu vực này là 259.000m3 phân bố trên tổng diện tích 26ha, trong đó trữ lượng cát tại khu vực suối Nhà Chay lớn nhất, tới 190.000m3.

Trên thực tế, các ghe, sà lan hút cát trái phép trên sông thường hút được 2 – 3m3 cát là chuyển thẳng lên bãi và nhanh chóng vận chuyển đi nơi khác. Thậm chí, nhiều khu vực máy hút cát trực tiếp lên xe ô tô vận chuyển đi tiêu thụ, không cần qua khâu tập kết. Vì vậy, không chỉ ở Ninh Hòa, mà trên toàn tỉnh, rất khó để có thể phát hiện hành vi hút cát với khối lượng lên tới 50m3 để tiến hành các hình thức xử phạt bổ sung mạnh tay hơn. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng ở Ninh Hòa đã kiểm tra, xử lý hơn 75 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép, tổng số tiền phạt hơn 160 triệu đồng. Trong đó chỉ có 1 trường hợp phát hiện số lượng cát 280m3, trình UBND tỉnh xử phạt 100 triệu đồng; 74 trường hợp còn lại nhỏ lẻ, tổng tiền phạt chỉ hơn 60 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với hoạt động mang về lợi nhuận khá lớn này.

UBND thị xã Ninh Hòa cũng thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó nhấn mạnh chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trước cấp ủy và chính quyền cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Lãnh đạo UBND thị xã cho biết, trong năm 2018, thị xã đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai và khoáng sản tại UBND các xã: Ninh Sim, Ninh Tây, Ninh Phú, Ninh Xuân, Ninh Thượng và hiện nay đang tiến hành thanh tra tại các xã này; đồng thời sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở chuyên môn hướng dẫn địa phương xử lý triệt để các ghe, tàu, thuyền khai thác khoáng sản trái phép trên sông.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa