Sáng 11/2, phiên họp 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.

Băn khoăn vì “người tăng chức, người xuống chức”

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định quy trình tiến hành sáp nhập của Cao Bằng rất công khai, khách quan và minh bạch.

“Sáp nhập có băn khoăn không?”, ông Môn đặt câu hỏi và tự khẳng định đây là việc “quá băn khoăn”, vì có người tăng chức, có người xuống chức, có người đang ở gần lại đi xa…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tuy nhiên, Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra kịch bản giải quyết tất cả khó khăn và sự đồng thuận trong vấn đề này là rất cao.

Sap nhap hang loat huyen, xa cua Ha Noi va 5 tinh, thanh pho hinh anh 1 z1734761008601_ec639ba9481ce83e15a1af0875856254.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn. Ảnh: Quang Khánh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau phiên thảo luận chiều qua, các địa phương cơ bản đồng thuận, chỉ còn Cao Bằng có một số ý kiến khác nhau.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài tiêu chí như diện tích tự nhiên, dân số, phải tính đến yếu tố quốc phòng an ninh, truyền thống văn hóa lịch sử, tâm tư tình cảm của nhân dân. Và đặc biệt là sau khi sáp nhập, triển vọng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân sẽ như thế nào.

Vấn đề đặt ra với việc sáp nhập các cặp huyện Trà Lĩnh – Trùng Khánh và Phục Hòa – Quảng Uyên ở Cao Bằng là phòng thủ, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội, song Bí thư Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định các nơi này khi sáp nhập sẽ phát triển kinh tế tốt hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng khi sáp nhập, tâm tư là điều tất nhiên. “Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Đó là lẽ đương nhiên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhắc đến bối cảnh Đại hội Đảng đang đến gần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải xem xét và quyết trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Sau khi thảo luận, 100% ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.

Sáp nhập hàng loạt xã, huyện của 6 tỉnh, thành phố

Theo tờ trình của Chính phủ, Thái Bình đề nghị thực hiện sắp xếp 47 đơn vị cấp xã. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh Thái Bình đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là 6 đơn vị.

Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị (giảm 26 đơn vị).

Sap nhap hang loat huyen, xa cua Ha Noi va 5 tinh, thanh pho hinh anh 2 202002101653220925_Toan_canh_2_copy.jpg

100% ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng. Ảnh: Quochoi.vn.

Với tỉnh Lào Cai, có huyện Si Ma Cai thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Về cấp xã, số lượng cấp xã thực hiện sắp xếp 19 đơn vị.

Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai từ 162 đơn vị giảm xuống còn 152 đơn vị (giảm 10 đơn vị). Trước đó, khi thành lập thị xã Sa Pa (tháng 9/2019) cũng đã giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã.

Về đề án của TP Hà Nội, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 10 đơn vị. Có 5 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng thành phố Hà Nội đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Nếu được thông qua, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).

Trong khi đó, Cần Thơ có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 3 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị.

Khánh Hoà có huyện Khánh Sơn thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Còn cấp xã thực hiện sắp xếp là 2 đơn vị. Khánh Hòa cũng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 đối với 1 đơn vị cấp xã.

Theo đề án, sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Khánh Hòa từ 140 đơn vị giảm xuống còn 139 đơn vị (giảm 1 đơn vị).

Ở Cao Bằng tính tới việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh, nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên).

Tính đến nay, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã tại 44/45 tỉnh, thành phố (TP.HCM chưa trình Đề án), trên cả nước giảm được 6 đơn vị cấp huyện và 544 đơn vị cấp xã.

Theo: Zing News