Theo đó, gần như toàn bộ đường băng đã được thảm các lớp bê tông xi măng; gói thiết bị phục vụ vận hành đường băng đã được đặt hàng từ nước ngoài, dự kiến đầu tháng 5 này sẽ về đến Cam Ranh. Bên cạnh việc hoàn thiện giai đoạn 1, các nhà thầu cũng đang khẩn trương thi công giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục như: đường lăn, sân đỗ máy bay…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Kỳ Trầm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư dự án), dự kiến vào tháng 7 tới sẽ triển khai kế hoạch bay thử nghiệm hiệu chuẩn tại đường băng số 2 trước khi đưa đường băng này vào khai thác, đón tàu bay dân dụng.
Theo ông Trầm, hiện nay chủ đầu tư đang lập hồ sơ điều chỉnh, có khả năng tiết giảm nguồn vốn đầu tư xuống 100-200 tỷ đồng sau khi rà soát, tiết kiệm, cắt giảm những hạng mục không cần thiết.
Trước đó vào tháng 3/2015, dự án đường cất hạ cánh số 2 – Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh được khởi công, với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Đây là đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4E, có quy mô và sức chịu tải đáp ứng khai thác an toàn, hiệu quả các loại máy bay chở khách cỡ lớn như: A320, A321, B737, B767-300, B787, A350-900…
Được biết, hiện nay có khoảng 16 hãng hàng không đang khai thác các đường bay trong nước và quốc tế đi đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh. Cụ thể, các đường bay nội địa kết nối Cam Ranh với: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, TP HCM. Các đường bay quốc tế kết nối Cam Ranh với các địa danh: Hồng Kông, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Campuchia.
Theo Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, mặc dù tốc độ tăng trưởng nhanh, tần suất khai thác nhiều nhưng sân bay này hiện chỉ có một đường cất hạ cánh duy nhất được xây dựng từ trước năm 1975. Do đó, hiện nay đường băng duy nhất này đã xuống cấp nghiêm trọng, bề mặt bê tông lão hóa, hư hỏng nền móng, gãy nứt trên diện rộng, tiềm ẩn yếu tố mất an toàn.
Được biết, sau khi hoàn thành đường băng số 2 sẽ nghiên cứu phương án nâng cấp đường băng số 1 tại sân bay Cam Ranh.
Viết Hảo
Theo: Dân Trí