Từ thực tế tại địa phương và trong đời sống, nhiều học sinh (HS) đã tìm ra cách giải quyết những vấn đề về môi trường với những ý tưởng độc đáo để đem đến Cuộc thi “Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho HS các trường THCS, THPT tỉnh” năm 2017.

Đa dạng ý tưởng và giải pháp

Bằng cách tận dụng các vật liệu đã sử dụng, phế thải như: gỗ, ống nước, quạt nước từ tủ lạnh cũ…, hai HS Vũ Khánh Hưng và Đinh Võ Thúy Tiên – Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Cam Ranh) đã chế tạo nên một chiếc máy ấp trứng gia đình hoàn toàn tự động. Máy gồm biến áp, khay ấp trứng, mô tơ xoay, quạt nước, bộ nhiệt (gồm 1 quạt và 1 bóng đèn sợi đốt) và bộ cảm biến nhiệt giúp duy trì nhiệt độ, độ ẩm ổn định. Từ thử nghiệm thực tiễn tại nhà với chu kỳ 19 – 21 ngày, sản phẩm đã cho ra kết quả khả quan với hiệu suất trung bình 90%. “Sản phẩm rất dễ làm, giá thành rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm trên thị trường và có hiệu quả. Chúng em mong muốn chiếc máy này có thể áp dụng rộng rãi để góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho các hộ chăn nuôi gia cầm”, Tiên chia sẻ.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Học sinh giới thiệu về các sản phẩm

Học sinh giới thiệu về các sản phẩm

Với video “Mẹ thiên nhiên lên tiếng và sự trả lời của chúng ta”, hai em Trần Võ Thiện Nhân và Lê Thạc Bách –  Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) lại dành công sức và thời gian để khảo sát, thu thập những hình ảnh về tình trạng rác thải, phế phẩm chăn nuôi… gây ô nhiễm môi trường xung quanh nơi các em sống. Đồng thời phỏng vấn giáo viên và các bạn HS để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Còn em Võ Thanh Hân – Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Khánh Vĩnh) lại bố trí các thùng phân loại rác tại ngôi trường nơi em đang học, từ đó tận dụng các loại rác có khả năng tái chế để tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó là các chai nhựa được đục lỗ làm vòi phun nước tưới hoặc gắn làm cầu gôn mini; các bình nhựa được sơn màu và tạo hình để trồng rau, hoa; hay những chiếc vỏ bánh xe dùng làm kệ rửa tay; những chiếc ống hút làm ly đựng bút và hoa trang trí. Hân cho biết, mô hình còn có thể được áp dụng ở các cơ quan, gia đình để nâng cao ý thức phân loại rác và tái sử dụng rác thải. Trong khi đó, hai em Cao Thị Xỉnh và Mấu Thị Ánh Khải – Trường THCS Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) khéo léo làm nên những lẵng hoa, bình hoa xinh xắn và đẹp mắt mang tên “Hoa tái sinh” từ những ống hút, chai nhựa… tưởng chừng bỏ đi.

Đồng hành cùng HS tại cuộc thi, cô Nguyễn Thị Ngọc Hân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) cho biết: “Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa đối với lứa tuổi HS và các trường. Vòng thi sơ khảo tại trường đã được các em hưởng ứng rất tích cực. Với những ý tưởng, niềm đam mê khoa học được hiện thực hóa thành các sản phẩm gần gũi với cuộc sống, các em đã góp tiếng nói để kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường”.

Tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu

Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, đây là một hoạt động lớn, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường dành cho HS được tổ chức lần thứ 2 trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị đã có sự đầu tư nghiêm túc, chu đáo, mang đến cuộc thi những sản phẩm, dự án khoa học – kỹ thuật được đầu tư kỹ lưỡng, sáng tạo; các video clip, bài viết, chùm ảnh có tính thời sự. Đặc biệt, những sản phẩm đạt giải cao có tính tư duy sáng tạo, phương pháp nghiên cứu bài bản và có tính ứng dụng thực tiễn cao. Các em cũng rất chủ động, tự tin khi trình bày nội dung của dự án, đồng thời chủ động dẫn dắt và mở rộng thêm vấn đề theo sự hiểu biết rất đầy đủ về công trình nghiên cứu của mình trước những câu hỏi chất vấn của hội đồng giám khảo.

Tuy chất lượng các sản phẩm, mô hình dự thi chưa thực sự đồng đều; một số ý tưởng không mới, giải pháp chưa mang tính đột phá hoặc nội dung nghiên cứu còn nặng về lý luận, nhưng đây là một sân chơi để HS và các trường cùng giao lưu, học hỏi, tăng tính chủ động, tự tin, có trách  nhiệm trong việc bảo vệ môi trường đối với bản thân và cộng đồng. “Sở Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các tập thể, cá nhân đã vượt qua khó khăn do cơn bão số 12 gây ra để hoàn thiện sản phẩm đến với cuộc thi. Các trường cần tiếp tục tạo điều kiện cho HS trau dồi kiến thức, rèn luyện khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học cũng như đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường”, bà Lý cho biết.

H.NGÂN

 


Cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức từ ngày 27 đến 29-11 với 117 sản phẩm của 196 HS của 8 trường THCS và 26 trường THPT tham gia. Kết quả, 8 giải nhất thuộc về các sản phẩm: Xử lý rác thải nhựa dựa vào quá trình phân hủy sinh học của một số loại sâu (nhóm HS Trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang); Hệ thống xử lý nước phèn giúp bà con nông dân (THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang); Tận dụng vật liệu đã sử dụng, phế thải để chế tạo máy ấp trứng gia đình (THPT Phan Bội Châu, Cam Ranh); Thiết bị thử nghiệm vớt rác xa bờ; Máy hốt rác trên bến cảng (THPT Ngô Gia Tự); Hoa tái sinh (THCS Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn); Xử lý khí thải CO­­2 và CO trong các nhà máy sử dụng than củi, trấu, phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đốt ở Ninh Hòa (THPT Nguyễn Chí Thanh, Ninh Hòa); Hệ thống tạo khí đốt từ nguồn thức ăn thừa (THPT Trần Bình Trọng, Cam Lâm).


Theo: Báo Khánh Hòa