Hình ảnh nền mặt đường xuất hiện cung trượt tại Km227+410, đường Trường Sơn Đông, tỉnh Kon Tum. |
Đến sáng nay (4/12), lực lượng chức năng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) vẫn tích cực triển khai lực lượng, máy móc, thiết bị kỹ thuật tại các vị trí sạt lở, sụt lún trên các tuyến Quốc lộ qua miền Trung, Tây Nguyên xử lý sự cố, đảm bảo giao thông.
Theo ông Bùi Tô Hoài, Cục phó Cục QLĐB III, ghi nhận nhanh cho thấy mưa lớn kết hợp xả lũ từ hồ thủy lợi phía thượng lưu tỉnh Bình Định gây ngập mặt đường Km1203 + 500 – Km1203+800 (tuyến tránh thị xã An Nhơn) với chiều sâu ngập 0,2 – 0,4m.
Tại Phú Yên, mưa lớn gây ngập mặt đường tại 6 vị trí (Km1304+900 – Km1305 ngập sâu 0,4m; Km1306 – Km1307 ngập các điểm cục bộ sâu 0,3m; Km1308+800 –Km1308+900 ngập sâu 0,4m; Km1316+800 – Km1316+900 ngập sâu 0,3m; Km1354+600 – Km1354+700 ngập sâu 0,2m; Km1357+300 – Km1357+450 ngập sâu 0,3m).
Hình ảnh nền mặt đường Km1294+570, QL.1 (khu vực dốc Vườn Xoài), tỉnh Phú Yên tiếp tục bị sụt lún thêm 0,3m |
Tại Km 1321+950, Km 1358+700 (đèo Cả) đất tràn lấp rãnh và mặt đường khoảng 300m³. Phát sinh hư hỏng mặt đường ổ gà xen kẹp rạn nứt mai rùa khoảng 2.000 m². Tại “điểm nóng” sụt lún mặt đường Km1294+570 khu vực dốc Vườn Xoài (Phú Yên): Mặt đường tiếp tục sụt lún thêm 0,4m; đã bù lún bằng cấp phối đá dăm khoảng 70m³. Đây cũng là vị trí bị sụt lún nặng nề trong mùa lũ lịch sử cuối năm 2016.
Tại Khánh Hòa, đất đá tràn lấp rãnh dọc và mặt đường tại các vị trí: Km1366+850, Km1447+800, Km1485+820 – Km1486+00 trên QL1 với tổng cộng khoảng: 400m³. Rãnh dọc gia cố bị xói lở tại Km1404+980 dài 12m. Ta luy âm bị xói lở tại Km1403+470 dài 2m. Quốc lộ 27C lại tiếp tục sạt lở mái taluy dương tràn lấp mặt đường tại Km26+360 (T), khối lượng khoảng 500m³. Đường Trường Sơn Đông qua KonTum và đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở taluy dương, mặt đường sụt lún.
|
Đất tràn lấp rãnh và mặt đường Km1358+700, QL1, (đèo Cả), tỉnh Phú Yên. |
Lãnh đạo Cục QLĐB III cho biết Cục đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc lắp đặt biển báo, rào chắn và cử người điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông tại các vị trí sạt lở taluy dương. Hiện, đã điều động thiết bị, máy móc hót sụt và đắp bù vật liệu cấp phối đá dăm để bảo đảm giao thông; các vị trí ổ gà sâu, sình lún có nguy cơ mất ATGT đã được xử lý đá ba chêm chèn để đảm bảo giao thông và sẽ triển khai xử lý hoàn trả mặt đường bằng bê tông nhựa khi thời tiết khô ráo. Cục cũng tiếp tục theo dõi các vị trí sạt lở nghiêm trọng để có phương hướng xử lý khi cần thiết.
Vĩnh Nhân
Theo: atgt.vn