Đến chiều 4-8, số ca mắc Covid-19 của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên lên trên 4.300 người, trong đó Khánh Hòa hơn 2.700 người, cao nhất trong khu vực Nam Trung Bộ. Dịch bệnh đã làm ngành du lịch 2 tỉnh này gần như tê liệt, sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp bị đình trệ. Thực tế này đã buộc Khánh Hòa, Phú Yên phải có những giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phòng dịch tại cơ sở sản xuất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch vẫn còn phức tạp.
Theo ông Tuân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị tinh thần tiêu thụ khoảng 8.700 tấn nông sản, trong đó 6.000 tấn sầu riêng đang vào vụ được các doanh nghiệp (DN) thu mua vào các cơ sở chế biến. Ở các công trình giải ngân đầu tư công, Khánh Hòa chủ trương tổ chức lao động trở lại nhưng phải bảo đảm công tác phòng chống dịch. “Toàn tỉnh có hơn 32 DN với hơn 6.000 công nhân đang thực hiện phương án 3 tại chỗ, đến nay vẫn an toàn. Ở các khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Nhiệt điện Sumitomo… các đơn vị này đang tiếp tục thức hiện việc sản xuất đúng tiến độ, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt” – ông Tuân thông tin.
Ông Nguyễn Văn Dự, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (đơn vị có 5 công ty thành viên đóng tại Khánh Hòa), cho biết năm 2021 DN đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển. Công ty đang tạo mọi điều kiện để nhập cá từ các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa, nhằm hỗ trợ cho vựa cá và các ngư dân yên tâm về đầu ra.
“Tuy nhiên, công tác phòng dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu. DN vẫn tiếp tục nhập cá từ các cảng ở khu vực Nam Trung Bộ nhưng các tài xế ở vùng có dịch lây lan trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính trước khi vào nhà máy. Khi vào nhà máy phải thực hiện nghiêm 5K, không rời khỏi ca-bin” – ông Dự cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, cho biết mục tiêu doanh số, đóng góp ngân sách 6 tháng đầu năm của công ty đạt theo kế hoạch, tuy nhiên đợt dịch vào tháng 7 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh. Do đó, công ty đã chủ động triển khai các phương án sản xuất trong tình hình có dịch như: yêu cầu công nhân sản xuất theo “3 tại chỗ”, có kế hoạch sản xuất lượng hàng hóa dự trữ từ trước nên DN chủ động cho công nhân nghỉ luân phiên để phòng dịch; tập trung đầu ra ở các thị trường chưa có dịch… “Chúng tôi hy vọng cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin… hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ sớm trở lại” – ông Hải nói.
Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn phòng dịch. Ảnh: KỲ NAM
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết tỉnh này đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác truy vết, cách ly, xét nghiệm để tối ưu việc kiểm soát dịch bệnh.
Hiện tỉnh Phú Yên đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu để phân loại F0, F1, F2. Từ đó xác định được vùng truy vết, cách ly chính xác, mà không triển khai tràn lan. “Ngay cả việc xét nghiệm cũng vậy. Phải có phần mềm ứng dụng, ví dụ khi nào là test mẫu đơn, khi nào thì test mẫu gộp, khi nào test nhanh, khi nào thì xét nghiệm PCR. Hiện phần mềm này chúng tôi đã xây dựng và hướng dẫn cán bộ nhân viên để thực hiện hiệu quả” – ông Dương nói.
Theo ông Phạm Đại Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có chỉ đạo rất kỹ về thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong lúc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, tỉnh tập trung thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề không cần thiết phải gặp mặt trực tiếp như xây dựng chương trình đề án, đặc biệt là việc lập quy hoạch tỉnh.
Hiện tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh làm việc trực tuyến online với các đơn vị tư vấn để lập quy hoạch tỉnh Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đúng theo thời gian dự kiến là đến cuối năm 2021 phải trình Thủ tướng Chính phủ. “Đây chính là kịch bản quan trọng nhất để tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đối với các dự án đầu tư, những thủ tục gì có thể làm được không cần phải gặp mặt thì cũng phải đẩy nhanh. Đây là lúc để thực hành việc cải cách thủ tục hành chính. Nếu các thủ tục được rà soát, làm xong, đến khi dịch tạm ổn thì sẽ bắt tay vào triển khai ngoài hiện trường, công trường” – ông Dương nói.
Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong những tháng còn lại của năm 2021, Khánh Hòa sẽ chú trọng tìm kiếm mở rộng thị trường, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh, các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, kích cầu nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/phu-yen-khanh-hoa-thuc-hien-tot-muc-tieu-kep-20210804195156058.htm