Ngày 9/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát kè biển xã Nhơn Hải và khu vực cảng biển Quy Nhơn (Bình Định) trước khi cơn bão số 6 đổ bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều tối ngày 10/11, bão số 6 – Nakri sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển, sau đó đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa trùng với thời điểm nước thủy triều cao, gây nước dâng, sóng lớn.

Pho thu tuong yeu cau so tan khan dan vung nguy hiem truoc khi bao den hinh anh 1
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra kè biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị sóng lớn tàn phá sạt lở nặng uy hiếp người dân làng chài nơi đây. Ảnh: Nhật Bắc.

Các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khả năng sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng cùng các đô thị.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết địa phương đã dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó với bão số 6, bảo vệ tính mạng của dân là quan trọng nhất.

Bình Định huy động tổng lực sơ tán hàng nghìn hộ dân sống vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn, nỗ lực hoàn thành việc này trước 12h ngày 10/11. Các địa phương hỗ trợ bao cát và huy động lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đến.

Pho thu tuong yeu cau so tan khan dan vung nguy hiem truoc khi bao den hinh anh 2
Người dân làm rọ đá chống sạt lở cho kè chắn sóng ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) ứng phó với bão số 6. Ảnh: Minh Hoàng.

Lực lượng vũ trang Bình Định duy trì 100% quân số; lập nhiều  đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trước diễn biến phức tạp bão số 6, Phó thủ tướng yêu cầu Bình Định tập trung rà soát tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.

Bình Định cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, triều cường dâng cao, sạt lở núi, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển.

Các địa phương khẩn trương hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, công trình đang thi công, công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê, kè biển đã bị sự cố do bão số 5 vừa qua.

“Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng”, Phó thủ tướng lưu ý.

Pho thu tuong yeu cau so tan khan dan vung nguy hiem truoc khi bao den hinh anh 3
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi giúp dân neo buộc tàu thuyền trước khi bão số 6 đổ bộ. Ảnh: Minh Hoàng.

Cùng ngày, làm việc với Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh bão số 6 là cơn bão mạnh nên chậm nhất đến trưa 10/11 phải sơ tán hơn 3.000 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu vùng trũng, vùng ven biển, sạt lở núi… đến nơi an toàn. 

“Bão số 6 là cơn bão có cường độ rất lớn. Chiều và tối 10/11 với thời gian lưu bão rất dài nên không được chủ quan vấn đề này, tổng rà soát tất cả các phương án để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”, ông Cường nói. 

Theo: Zing News