Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) bằng nhiều cách.
Kết quả thiết thực
Thực hiện Chỉ thị 32, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động ký kết phối hợp với các ngành chức năng để phổ biến pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; ban hành hơn 100 văn bản về tuyên truyền, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện phổ biến pháp luật. Qua đó, 100% công đoàn cấp huyện, ngành và hơn 90% công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật, các nội dung mà NLĐ thường có nhu cầu tìm hiểu. Công đoàn tỉnh còn thành lập đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thành lập Văn phòng Tư vấn pháp luật và Chi hội Luật gia Liên đoàn Lao động tỉnh.
Ông Bùi Đăng Thành – Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, hàng năm, đơn vị đều phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách, chế độ của công nhân. Mỗi công đoàn cơ sở đưa ra cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình ở đơn vị. 15 năm qua, đơn vị đã tổ chức 20 cuộc hội thảo, hội nghị và hơn 1.300 lớp tập huấn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội… cho hơn 45.000 cán bộ công đoàn và NLĐ; phát hành hơn 5.000 tờ rơi, sổ tay pháp luật lao động cho NLĐ; tổ chức hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 1.300 công đoàn cơ sở tham gia với hơn 40.000 bài dự thi của NLĐ. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tham gia lấy ý kiến của NLĐ góp ý xây dựng và điều chỉnh các quy định cho dự thảo luật.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn chú trọng xây dựng tủ sách pháp luật tại đơn vị; hàng năm đều bổ sung các đầu sách pháp luật mới và tổ chức sinh hoạt, tạo điều kiện cho NLĐ đọc sách. Đến nay, các cấp công đoàn đã xây dựng được hơn 1.600 tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách. Cùng với đó, văn phòng tư vấn pháp luật đã tư vấn cho hơn 3.600 lượt đoàn viên, NLĐ; đồng thời đại diện NLĐ khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, về cơ bản, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức thường xuyên nên nhận thức, hiểu biết pháp luật của NLĐ và người sử dụng lao động được nâng cao. Nhờ đó, những năm gần đây, không còn xảy ra tình trạng đình công, lãn công tập thể, gây mất trật tự an ninh. Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ không ngừng phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ; tập trung đổi mới nội dung, cách làm, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; định kỳ tổ chức các buổi nói chuyện về pháp luật cho công nhân và xây dựng mô hình “Ngày pháp luật”; nhân rộng hội thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa tuyên truyền, phổ biến. Đồng thời, nâng cao số lượng, chất lượng của đội ngũ báo cáo viên công đoàn; tham gia tích cực trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách dành cho NLĐ, nhất là chính sách về việc làm, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, để góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 32, các cấp ủy đảng, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với Công đoàn tỉnh thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra, giám sát cần kết hợp tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt những quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa có tổ chức công đoàn thành lập tổ chức công đoàn; tăng cường hoạt động quy chế dân chủ tại nơi làm việc và quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như: Cung cấp thông tin, tài liệu, phân bổ kinh phí, cơ sở vật chất…
VĂN GIANG
Theo: Báo Khánh Hòa