Những năm qua, ngành Thủy sản Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Nhân kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 – 1-4-2021), ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết:



TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

– Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển ngành Thủy sản. Những năm qua, ngành Thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 11,34%/năm. Năm 2020, tuy gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn đạt hơn 95.590 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 80.800 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 14.773 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 510 triệu USD.


– Xin ông cho biết định hướng thời gian tới của tỉnh để phát triển bền vững ngành Thủy sản?


– Để xây dựng và phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại đội tàu cá, cơ cấu lực lượng khai thác gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp về chống khai thác IUU; rà soát, vận động chuyển đổi các tàu cá có nghề khai thác mang tính hủy diệt sang các nghề thân thiện; hỗ trợ ngư dân nâng cấp đầu tư trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, giải phóng sức lao động thủ công và nâng cao hiệu quả chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; tổ chức liên kết từ khai thác đến tiêu thụ giữa các tổ hợp tác và doanh nghiệp để đảm bảo thu nhập ổn định cho ngư dân, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm; đa dạng các sản phẩm chế biến, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản… 


Đối với nuôi trồng thủy sản ở vùng ven bờ, sẽ thực hiện giao mặt nước để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế, chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn; kết hợp nuôi trồng thủy sản với du lịch trên biển; chú trọng nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế cao, kết hợp nuôi đa loài để tăng hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sẽ hình thành các tổ liên kết nuôi trồng thủy sản, tiến tới thành lập các hợp tác xã nhằm liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, ổn định thu nhập cho người nuôi. Đối với vùng biển hở, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh sản lượng nuôi công nghiệp; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm… 


Đối với bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành sẽ xây dựng quỹ bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ để thực hiện công tác tái tạo thường xuyên và mang lại hiệu quả cao hơn; thường xuyên thực hiện công tác tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản; chú trọng phát triển, bảo vệ các khu bảo tồn biển, khu đa dạng sinh học biển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý nghề cá ven bờ…


– Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, năm nay, địa phương có hoạt động thiết thực nào để tuyên truyền đến cộng đồng về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, thưa ông?


– Chúng tôi đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phát động thi đua lao động sản xuất, tổ chức thu gom rác thải nhựa ven bờ, thả giống thủy sản… Qua các hoạt động này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng ngư dân và xã hội về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.


Đối với hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, cộng đồng ngư dân tham gia thả 1 triệu con giống như: Tôm sú, cá bớp, cá hồng, cá chim vây vàng, ngao hai cồi, hải sâm… tại Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). 


– Xin cảm ơn ông!


BÍCH LA (Thực hiện) 

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202103/phat-trien-nganh-thuy-san-theo-huong-ben-vung-trach-nhiem-8211925/