Tuy có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng việc khai thác các sản phẩm du lịch ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế. Theo tôi, trong giai đoạn tới, định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Khánh Hòa tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: du lịch đặc thù; du lịch chính; du lịch bổ trợ.

Để có được hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng với các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên việc khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch biển đảo của Khánh Hòa cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương và cả những người kinh doanh du lịch.

Theo đó, cần có giải pháp thực hiện quản trị và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo (như: nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm, khám phá đáy biển và các đảo ven bờ, du lịch tàu biển…), kết hợp với phát triển các loại hình du lịch bổ trợ như: du lịch sinh thái núi (nghỉ mát, thể thao leo núi…), du lịch văn hóa (tham quan lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa…), du lịch sự kiện (thi hoa hậu, MICE)… Mỗi huyện, thành phố trực thuộc tỉnh không chỉ cần xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế du lịch của riêng mình, mà cần phải liên kết chặt chẽ với địa phương khác để tạo nên những sản phẩm du lịch liên kết giữa các địa bàn và tránh sự trùng lắp.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống các cơ sở lưu trú, kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển các công trình vui chơi giải trí, tạo ra những loại hình vui chơi giải trí độc đáo, cao cấp và hiện đại như: cáp treo, sân golf… cũng như các loại hình vui chơi giải trí mạo hiểm gắn với tài nguyên biển và núi. Mặt khác, tăng cường liên kết, đầu tư có trọng điểm và tập trung theo đặc trưng của từng dòng sản phẩm:

Đối với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng biển, bên cạnh việc nâng cấp, làm mới sản phẩm cần sớm hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng biển có quy mô và đẳng cấp quốc tế, chất lượng cao ở bắc Cam Ranh và vịnh Vân Phong – Đại Lãnh. Hiện nay, khu du lịch nghỉ dưỡng bắc Cam Ranh đã được hình thành theo hướng trở thành khu du lịch quốc gia như đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tuy nhiên, định hướng này đối với khu vực Vân Phong – Đại Lãnh chưa được triển khai, mặc dù đây là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế hơn.

Mặt khác, cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ như: kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch; hình thành tổ chức định kỳ sự kiện du lịch Festival biển Nha Trang trong liên kết vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các sự kiện khác như: lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Quảng Ngãi), lễ hội Đống Đa – Tây Sơn (Bình Định), lễ hội Ka Tê (Ninh Thuận)…

Đối với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với thiên nhiên hoang sơ, cần hình thành các điểm đến du lịch đảo hấp dẫn trong các vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh như: Điệp Sơn, Hòn Mun, Hòn Tre, Bình Ba, Bình Hưng; kết hợp du lịch với quốc phòng an ninh và hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tổ chức các dịch vụ du lịch gắn với thể thao nhẹ, du thuyền thưởng ngoạn cảnh quan, lặn biển, leo vách…; tổ chức các hoạt động du lịch tìm hiểu văn hóa lối sống bản địa.

Đối với dòng sản phẩm gắn với di sản, tập trung đầu tư bảo tồn, trùng tu, khai thác các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh trong mối liên kết hình thành và phát huy giá trị văn hóa trên tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”; khai thác các nét văn hóa và lối sống bản địa phát triển các trải nghiệm du lịch ở vùng núi phía tây, đặc biệt trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh; phát huy các loại hình du lịch cộng đồng vùng biển – hải đảo và vùng núi nơi có tiềm năng du lịch song cuộc sống người dân còn khó khăn.

Nguyễn Văn Thành
(Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa)