Ngày 11-11-1992, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin được thành lập. Tròn 3 thập niên đi theo bước chân ông Năm Yersin (bác sĩ A.Yersin), những người yêu mến ông đã không ngừng nỗ lực để phát huy, lưu truyền tinh thần của ông đến mai sau. Chia sẻ với Báo Khánh Hòa, ông Đống Lương Sơn – Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin cho biết:
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
Sinh thời, ông Năm Yersin rất quan tâm, chăm lo cho người dân Xóm Cồn ở Nha Trang. Ông khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; dự báo thời tiết cho ngư dân khi có bão để họ không được ra khơi vì nguy hiểm; khi mưa bão đến, ông mở cửa đón người dân vào trú tránh… Với tấm lòng cao cả ấy, người dân Nha Trang xem ông như người thân trong gia đình. Để tưởng nhớ và tri ân nhà bác học thiên tài của thế giới, các cán bộ lão thành, nhân sĩ trí thức đã tự nguyện vận động thành lập Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin.
– Ông có thể cho biết những hoạt động chính của hội trong thời gian qua?
– Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin đã không ngừng nỗ lực để lan tỏa những cống hiến, đóng góp của bác sĩ A.Yersin cho nhân loại, đặc biệt là tấm lòng đối với người dân Nha Trang – Khánh Hòa. Trên hành trình đó, hội đã nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Từ đó, hội đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm truyền bá tinh thần A.Yersin đến mọi người.
Cụ thể, năm 1993, Phòng khám từ thiện miễn phí A.Yersin được thành lập. Từ đó đến nay, phòng khám đã khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo. Hàng năm, hội đều trao học bổng, giải thưởng khuyến học đến Trường THCS Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) và Trường THCS Yersin Nha Trang. Hội còn tặng sách vở, xe đạp cho học sinh vùng sâu; bảo trợ, dạy nghề cho 43 trẻ em khuyết tật. Hội cũng đã đóng góp cứu trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai trên mọi miền đất nước; tặng quà cho các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi; giúp các gia đình gặp hoạn nạn trong cuộc sống. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên của hội đã phát gạo, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), xã Diên Tân (huyện Diên Khánh), giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho các công dân Nga ở TP. Nha Trang…
– Xin ông cho biết những nét nổi bật trong việc giới thiệu, quảng bá, lan tỏa tinh thần bác sĩ A.Yersin đến bạn bè trong nước, thế giới mà hội đã làm được?
– Trong nhiều năm qua, xác định việc truyền bá, lan tỏa tinh thần bác sĩ A.Yersin là nhiệm vụ trọng tâm nên các thành viên trong hội đã không ngừng nỗ lực làm tốt công tác đối ngoại, kết nối nhiều tổ chức quốc tế và cá nhân, như: Kết nối với ông Minsen – hậu duệ bác sĩ A.Yersin, bà Anna Owhadi Richardson – Hội Từ thiện d’Adaly Montpellier (Pháp), Hội Ái mộ Yersin Thụy Sĩ… nhằm phát huy tài sản quý giá mà bác sĩ A.Yersin đã để lại. Hội đã phối hợp với các đài truyền hình trong và ngoài nước sản xuất nhiều bộ phim, sách báo về bác sĩ A.Yersin bằng 2 ngôn ngữ Việt – Pháp. Hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế, qua đó có nhiều bài tham luận, phát biểu rất có giá trị ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của ông Năm Yersin.
Cùng với đó, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin đã gửi tặng một số tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và cống hiến của bác sĩ A.Yersin đến chính quyền TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trường Đại học Y Hà Nội để trưng bày, giới thiệu cho người dân, du khách, sinh viên. Đặc biệt, hội đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cuộc đời bác sĩ A.Yersin qua bộ sưu tập tem tham gia các triển lãm quốc tế; gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước trang tem về tiểu sử bác sĩ A.Yersin để làm quà tặng đến ngài Ignazio Cassis – Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8-2021… Mỗi thành viên trong Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin luôn cảm thấy vinh dự, tự hào được tiếp bước và phát huy tinh thần vì dân của ông Năm Yersin.
– Xin cảm ơn ông!
Alexandre Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại Lavaux (hạt Vaud, Thụy Sĩ). Năm 26 tuổi, ông xin nhập quốc tịch Pháp, bởi vì tổ tiên của ông vốn gốc người Pháp. Năm 1886, ông làm phụ tá ở Viện Pasteur Paris. Năm 1888, ông trình luận án Tiến sĩ Y khoa tại Đại học đường Paris. Cũng trong năm 1888, ông cộng tác với bác sĩ Emile Roux và tìm ra độc tố của vi trùng bệnh bạch hầu. Năm 1890, A.Yersin quyết chí viễn du và lên đường sang Viễn Đông trên một chiếc tàu buôn của Hãng Nhà Rồng. Nhân những chuyến đi lại ngoài khơi từ Sài Gòn đến Hải Phòng, ông có ý định thám hiểm dãy núi Hoành Sơn. Sau này, ông dần hoàn thành ba cuộc khảo sát về nhân chủng, địa lý trong vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam. Trong cuộc thám du lần thứ hai vào tháng 6-1893, ông đã tìm ra cao nguyên Đà Lạt trong dãy núi Lâm Viên. Cũng thời gian đó, tại Sài Gòn, ông tái ngộ bác sĩ Calette đang lo thiết lập tại đây chi nhánh đầu tiên ở hải ngoại của Viện Pasteur. Ông gia nhập ngạch y tế hải ngoại và được cử đi công cán tại miền đông nam Trung Hoa – một vùng đang bị bệnh dịch hạch hoành hành dữ dội. Tới Hồng Kông, ông tìm ra được vi trùng bệnh dịch hạch trong các hạch của bệnh nhân. Vì vậy, vi trùng bệnh dịch hạch mang tên trực vi trùng Yersin, hiện được gọi là Pasteurella pestis.
Ông lập phòng thí nghiệm ở Nam phần Việt Nam, tại Nha Trang và đem thực hành ý định của mình dùng phương pháp huyết thanh trị liệu để chữa bệnh dịch hạch. Kết quả thật rực rỡ, nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh. Từ đây, nền y học không còn phải bó tay với chứng bệnh truyền nhiễm ghê sợ này nữa. Bác sĩ Yersin đem cây cao su ở Nam Mỹ về trồng ở Việt Nam. Năm 1905, ông đã gửi được cho các kỹ nghệ gia tại Pháp một số mủ cao su đầu tiên. Đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, việc cung cấp thuốc ký ninh tới các vùng sốt rét nặng ở Á Châu trở nên khó khăn nên ông bắt đầu cho trồng thử cây ký ninh (cây Cinchona) tại Việt Nam. Bước đầu thất bại vì phong thổ không hợp cho cây, nhưng ông không nản chí vẫn tiếp tục thí nghiệm tại núi Hòn Bà. Sau cùng, ông thành công ở Dran và Di Linh. Cứ như vậy, công cuộc khảo cứu được tiếp tục không ngừng cho đến ngày ông nhắm mắt 1-3-1943.
A.Yersin là một y sĩ, nhà vi trùng học, nhà thám hiểm, nhà nông học. Suốt cuộc đời ông không ngớt tìm tòi và nhiều lần đã thành công một cách xứng đáng. Đời sống hàng ngày của ông giản dị như một tu sĩ, yên vui trong thú ẩn dật. A.Yersin từng giữ các chức vụ: Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang; Ủy viên đại diện Viện Pasteur Paris tại Đông Dương; Tổng Thanh tra các Viện Pasteur Đông Dương; Giám đốc danh dự Viện Pasteur Paris.
(Trích bài viết của Henri Louis Jacotot – một cộng sự của bác sĩ A.Yersin, Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang giai đoạn 1927 – 1947).
|
GIANG ĐÌNH (Thực hiện)