Để quản lý tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác và dịch vụ khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương ven biển tiến hành điều tra, phân loại tàu trong toàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá.
Rà soát tàu cá
Thực hiện quy định của Luật Thủy sản và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về quản lý hoạt động tàu cá, thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: đánh dấu tàu cá, phân vùng, phân tuyến hoạt động đối với từng nhóm tàu… Để đảm bảo 100% tàu hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác thủy sản (gọi tắt là tàu cá) đều được cấp phép cần phải điều tra, xác minh, cập nhật lại số lượng tàu cá. Thực tế, từ cuối năm 2019, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tiến hành rà soát, xác minh. Kết quả cho thấy, số lượng tàu cá hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác đã biến động nhiều so với số lượng đăng ký tàu cá được thống kê lâu nay.
Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, qua rà soát từ các thôn, tổ dân phố, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 1.280 tàu, trong đó chỉ có 620 tàu cá, 14 tàu phục vụ nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khác, 640 tàu không còn sở hữu của chủ tàu do đã bán, bị chìm, giải bản, 6 chiếc còn lại chủ tàu không còn cư trú tại địa phương. Tại TP. Cam Ranh, trong số 1.963 tàu cá được xác minh, chỉ còn 528 tàu cá. Tương tự, tại TP. Nha Trang, chỉ có 1.723 tàu cá còn hoạt động trong tổng số 3.059 tàu cá được điều tra…
Thống kê bước đầu cho thấy, trong số 9.784 tàu cá được thống kê trước đây, số tàu còn hoạt động đánh bắt, hậu cần đánh bắt chỉ có 4.282 chiếc; trong số này, có 4.097 chiếc có chiều dài từ 6m trở lên và 185 chiếc có chiều dài dưới 6m. Ngoài ra, trong tỉnh có 543 tàu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khác; 1.561 tàu không còn sở hữu do chìm, mất tích, hư hỏng không thể khắc phục được hoặc đã giải bản. Qua rà soát, toàn tỉnh có 2.979 tàu đã được chủ tàu bán cho người khác nhưng không thực hiện các thủ tục, không đăng ký lại tàu cá, không đăng ký giấy phép khai thác thủy sản; 419 tàu không xác minh được, chủ tàu không còn cư trú tại địa phương.
Để quản lý hiệu quả
Theo ông Lê Đình Khiêm – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản), sau khi điều tra, phân loại tàu cá, Chi cục Thủy sản đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể và được UBND tỉnh cho phép thực hiện nhằm quản lý tốt hơn hoạt động tàu cá theo quy định. Hiện nay, cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện việc cập nhật dữ liệu tàu cá; đồng thời trên cơ sở số liệu ban đầu từ các thôn, tổ dân phố ở các địa phương chuyển về, tiếp tục xác minh, cập nhật để có số liệu tàu cá chính xác nhằm triển khai việc cấp phép cho 100% tàu cá.
Theo đó, đối với nhóm tàu cá còn hoạt động, đánh bắt, hậu cần đánh bắt, Chi cục Thủy sản sẽ cập nhật lại dữ liệu trên hệ thống phần mềm Vnfisbase và bàn giao cho cấp huyện quản lý đối với 185 tàu cá có chiều dài dưới 6m. Đối với 1.758 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, công suất nhỏ hơn 20CV trước đây được UBND tỉnh phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý, Chi cục Thủy sản đang tiếp nhận lại hồ sơ từ UBND cấp huyện để quản lý, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Nghị định 26 năm 2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Đối với nhóm tàu không còn sở hữu do chìm, đắm, mất tích, giải bản, hư hỏng không thể khắc phục thì tiến hành xóa đăng ký tàu cá và cập nhật lại dữ liệu trên hệ thống phần mềm Vnfisbase. Đối với nhóm tàu phục vụ nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khác, thực chất đây không phải là tàu cá nên cần thiết phải xóa đăng ký tàu cá và cập nhật lại dữ liệu trên hệ thống phần mềm Vnfisbase; đồng thời hướng dẫn chủ tàu đăng ký lại tại cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Đối với số tàu đã được bán, chủ tàu không còn cư trú tại địa phương, Chi cục Thủy sản đề xuất thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết danh sách tại các xã, phường. Trong 2 tháng, nếu chủ tàu không thực hiện việc đăng ký lại, kiểm tra chứng nhận an toàn tàu cá và đăng ký giấy phép hoạt động thủy sản thì tiến hành xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia, cập nhật lại dữ liệu trên hệ thống phần mềm Vnfisbase để đảm bảo công tác quản lý tàu cá, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh và khắc phục “thẻ vàng” của EC.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202003/phan-loai-tau-ca-de-quan-ly-hieu-qua-8156247/