Từ khi tái lập tỉnh năm 1989, Khánh Hòa đã phân định ranh giới hành chính trên đất liền với các tỉnh bạn, trong đó có Ninh Thuận. Tuy vậy, việc phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo giữa 2 tỉnh đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Sáng 10-4, tại TP. Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận lần đầu tiên tổ chức hội nghị hiệp thương phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo giữa 2 tỉnh. Các ông: Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; cùng lãnh đạo các sở, ngành 2 tỉnh, UBND TP. Cam Ranh và huyện Thuận Bắc dự hiệp thương.
Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn phân định ranh giới trên biển, đảo cho tỉnh Khánh Hòa là Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 5 đã trình bày phương án phân định ranh giới cụ thể, chi tiết. Theo đó, đường ranh giới biển giữa 2 tỉnh là từ điểm cuối cùng trên đất liền thuộc mũi Cà Tiên, cắt thẳng từ đường mép nước thấp nhất (khi thủy triều xuống) kéo về phía thôn Bình Hưng (đảo Hòn Chút), xã Cam Bình, TP. Cam Ranh. Tại vùng biển giữa đảo Hòn Chút với huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận do bị chồng lấn 3 hải lý, nên được chia đều mỗi tỉnh quản lý một nửa. Từ đây, ranh giới tiếp tục được xác định theo đường vuông góc với đường cơ sở.
Tuy nhiên, Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 1, đơn vị tư vấn phân định ranh giới cho tỉnh Ninh Thuận lại có một phương án hoàn toàn khác. Cụ thể, đường ranh giới được tính từ đường mép nước thấp nhất mũi Cà Tiên kéo thẳng ra hướng đông, cắt qua thôn Bình Hưng rồi hướng thẳng ra đường cơ sở.
Trước những khác biệt trên, đại diện 2 tỉnh đã có những ý kiến đóng góp khá sôi nổi. Ông Lê Kim Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho rằng, sau khi được tư vấn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua phương án xác định ranh giới quản lý hành chính kể trên. “Đây là hội nghị hiệp thương, chưa phải quyết định cuối cùng. Tôi mong 2 tỉnh có phương án đảm bảo nguyên tắc, giữ nguyên lịch sử để làm sao người dân hai bên cùng làm ăn, không xảy ra tranh chấp. Từ đó, có quy chế quản lý vùng giáp ranh”, ông Hoàn nêu ý kiến.
Trong khi đó, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, việc phân định ranh giới biển thường rất phức tạp. Nhưng dù khó thế nào thì phương án được chọn phải dung hòa lợi ích chung của người dân 2 tỉnh. Một số đại biểu của Khánh Hòa nhận định, việc phân định theo phương án của Ninh Thuận sẽ gây nên sự xáo trộn trong đời sống và hoạt động trên biển của người dân. Lý do là toàn bộ đảo Hòn Chút cũng như vùng biển lân cận đang thuộc quản lý hành chính của Khánh Hòa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Hậu cho rằng, việc phân định làm sao phải ổn định tâm lý chung của người dân. “Chúng ta cần có các cuộc họp kỹ thuật sâu hơn để làm sao áp dụng các nguyên tắc, phương án thể hiện quan điểm Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh mỗi bên để đi đến thống nhất. Sau hội nghị này chúng ta chắc chắn có phiên họp khác giữa 2 tỉnh để đi đến phương án thống nhất cuối cùng”, ông Phan Văn Hậu nói.
Về phía tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài cho rằng, lẽ ra, 2 tỉnh có cuộc họp kỹ thuật trước hội nghị hiệp thương thì sẽ không có sự khác biệt rõ rệt nêu trên. Ông lưu ý, cả 2 đơn vị tư vấn cũng chưa làm rõ được mặt tích cực cũng như nhược điểm của mỗi phương án phân định. Do vậy, sắp tới 2 đơn vị tư vấn cần bổ sung thêm. Tuy vậy, qua buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh đã có dịp lắng nghe ý kiến của nhau để có những bước đi tiếp theo. “Qua buổi làm việc hôm nay, chúng tôi sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về ý kiến của các bên để có hướng chỉ đạo chung”, ông Nguyễn Đắc Tài cho biết.
Thành Long
Theo: Báo Khánh Hòa