Sáng 3-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội (QH) Nguyễn Hồng Thanh cũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án này.
8/11 dự án đầu tư hình thức BOT
Theo Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Dựa trên kết quả dự báo nhu cầu vận tải, năng lực của Quốc lộ 1, hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, giai đoạn 2017-2020 ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài khoảng 221 km, Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên – Huế) 102 km, Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai) 324 km, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 7 km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 là 118.716 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn nhà đầu tư là 63.716 tỉ đồng.
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam là cần thiết. Về phương án đầu tư, UBKT cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ chia dự án thành các dự án thành phần. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ thuyết minh chi tiết hơn khi có dự án dài 115 km nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km, như vậy sẽ khó bảo đảm về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.
Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương được xây dựng theo hình thức BOT Ảnh: TẤN THẠNH
“Các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ” – báo cáo thẩm tra lưu ý.
Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (hợp đồng BOT).
Phải giải quyết bất cập BOT
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.
“Đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT” – báo cáo giám sát nêu rõ.
Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ – La Sơn, theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT. Do đó, báo cáo giám sát đề nghị cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.
Tránh lãng phí, khiếu kiện khi giải phóng mặt bằng
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra số liệu sơ bộ về chiếm dụng đất khoảng 3.689 ha, số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 hộ; dự kiến phải tái định cư khoảng 1.900 hộ.
UBKT đề nghị bước tiếp theo cần rà soát, xác định chi tiết khối lượng giải phóng mặt bằng, xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của Luật Đất đai. Trong đó lưu ý đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh giữa các địa phương để bảo đảm phương án tái định cư phù hợp với quy định và nguyện vọng của người dân; tránh lãng phí, khiếu kiện.
VĂN DUẨN
Theo: Người Lao Động