Dư luận dồn hết phẫn nộ vào Lớp Mẫu giáo Mầm Xanh và cũng không quên đặt ra các câu hỏi về vai trò trách nhiệm quản lý, đặc biệt xa hơn là tính hiệu quả của chính sách chú trọng phát triển giáo dục mầm non, tính hiệu lực của Luật Trẻ em tại Việt Nam.
Cùng thời điểm phanh phui vụ trẻ em bị ngược đãi tại TP HCM, có hàng loạt thông tin khác đáng chú ý: một bé trai bị bảo vệ tổ dân phố (tiền sử tâm thần) cắt cổ chết khi đang đi mua bánh, một trẻ em khác ở Thanh Hóa mới 20 ngày tuổi bị giết bỏ xác trong bao rác, một người giúp việc ở Hà Nam “tung hứng” bé gái 1 tháng tuổi, một bé gái 6 tuổi ở Đồng Nai bị cha dượng cưỡng hiếp…
Trong nhiều vụ việc như vậy gần đây có một điểm chung đáng lưu ý: các em thuộc nhóm gia đình có kinh tế khó khăn, cha mẹ phải bươn chải mưu sinh và điều kiện chăm lo giáo dục chủ động từ phía gia đình hạn chế. Điều này cũng cho thấy chính các em rơi vào tình trạng 2 lần thuộc nhóm yếu thế: yếu thế bởi không tự bảo vệ được mình và yếu thế bởi sinh trưởng trong cảnh nghèo, không được thụ hưởng sự bình đẳng trong giáo dục, an sinh xã hội.
Đã có rất nhiều quy định, chính sách phát triển giáo dục mầm non từ phía nhà nước và theo đó cũng có những chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong giáo dục mầm non được ban hành từ những thành phố lớn nhưng rồi các trường tư, cơ sở giữ trẻ tư nhân giá rẻ, nhỏ lẻ cho con công nhân, người lao động nhập cư… vẫn được phép mọc lên đáp ứng nhu cầu thực tế khi mà hệ thống công lập không đủ mạnh và linh hoạt để bảo đảm làm tốt sứ mệnh của mình.
Chính sách an sinh, hỗ trợ xã hội cho nhóm con em người lao động nghèo nhập cư chưa bảo đảm hiệu quả sâu rộng.
Một điều nữa, hệ lụy của rất nhiều năm coi nhẹ giáo dục nguồn nhân lực sư phạm cho cấp học này đã dẫn đến tình trạng các cơ sở thiếu trang bị chuyên môn sư phạm vẫn được phép hoạt động. Mỗi cơ sở giữ trẻ tự phát hay mỗi trường mầm non tư nhân tự tổ chức kinh doanh chỉ cần con dấu của phòng giáo dục địa phương rất dễ trở thành địa ngục đối với con em người nghèo mà con mắt giám sát của cộng đồng khó dõi tới được.
Vĩ mô hơn, trong một đời sống phổ biến tâm thế kẻ mạnh có quyền áp đặt, khống chế lên người yếu thế dưới nhiều hình thức thì quyền làm người của trẻ em – với tư cách là một thành phần của nhóm yếu thế – bị xem nhẹ là không quá khó hiểu. Số lượng các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em gần như không đem lại hiệu quả đáng kể từ thực tế, nếu không muốn nói là phản ứng chậm, hoạt động hình thức, thiếu những cơ chế ngăn chặn thực sự hiệu quả.
Trẻ em được coi là thuộc nhóm yếu thế cần được bảo vệ. Nhìn vào cách một xã hội đối xử với trẻ em – những người nắm giữ tương lai của xã hội đó – thì biết được tình trạng bình đẳng, quyền làm người và thang bậc phát triển văn minh.
Theo: Người Lao Động