Đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè đưng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Võ Thế Dũng – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu. Đề tài góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi biển tại Khánh Hòa.
Cá bè đưng còn gọi là cá khế vằn, cá bè vàng, là loài cá thịt trắng, thơm ngon, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường nội địa ưa chuộng. Thời gian đầu, loài cá này được người dân nuôi thương phẩm bằng nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên, nhưng nguồn giống này ngày càng khan hiếm. Gần đây, một số địa phương ven biển đã nhân giống thành công và người nuôi thủy sản bắt đầu thử nghiệm nuôi thương phẩm loài cá này.
Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường cá thương phẩm và phát triển cá bè đưng thành đối tượng nuôi quy mô lớn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè đưng (G. speciosus Forsskål, 1775) trong lồng bằng thức ăn công nghiệp tại Khánh Hòa”. Đề tài tập trung vào 3 nội dung chính: Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè đưng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp; xây dựng mô hình nuôi cá bè đưng thương phẩm; tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 2 mô hình, gồm 1 mô hình doanh nghiệp, 1 mô hình hộ dân tại khu vực biển Nam Vân Phong và xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), thời gian nuôi 10 – 12 tháng. Trong đó, mô hình doanh nghiệp nuôi 10 tháng, hộ dân 12 tháng. Đề tài bắt đầu bằng những nội dung có tính cơ bản như: nghiên cứu về số lần cho ăn trong 1 ngày (với 3 nghiệm thức là 2, 3 và 4 lần/ngày); sử dụng thức ăn công nghiệp loại chìm chậm… Từ đó, theo dõi các yếu tố liên quan như: Môi trường, tỷ lệ phân đàn, tỷ lệ sống, kích thước giống, mật độ, bệnh cá…
Kết quả cho thấy, cá bè đưng nuôi trong lồng cho ăn thức ăn công nghiệp 3 và 4 lần/ngày có tốc độ sinh trưởng tương đương nhau và đều nhanh hơn cá cho ăn 2 lần/ngày; tỷ lệ sống của cá cho ăn 2 lần, 3 lần và 4 lần/ngày khác nhau không đáng kể; kích thước giống thả phù hợp là 5-6cm; mô hình nuôi cá bè đưng thương phẩm tại hộ dân (12 tháng nuôi) và doanh nghiệp (10 tháng nuôi) đạt lần lượt là 2.501kg và 2.703kg cá thương phẩm. Quy trình kỹ thuật nuôi cá bè đưng thương phẩm 12 tháng đạt tỷ lệ sống hơn 80%, trọng lượng cá thương phẩm 0,7kg/con. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm từ lựa chọn khu vực nuôi, lồng nuôi đến chăm sóc, cho ăn, theo dõi bệnh cá… Quá trình triển khai đề tài đã đào tạo được 4 kỹ thuật viên, tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè đưng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp cho 60 người dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ – Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: Việc thử nghiệm thành công nuôi thương phẩm cá bè đưng bằng thức ăn công nghiệp góp phần định hướng sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá biển, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường nuôi, hạn chế khai thác nguồn thức ăn tươi sống tự nhiên. Đề tài cũng góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi biển; đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi mới cá bè đưng nhằm phát triển cơ hội nuôi xa bờ…
V.L
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202208/nuoi-ca-be-dung-bang-thuc-an-cong-nghiep-8260295/