Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến, tạo cơ hội cho trẻ em được chia sẻ, bày tỏ tâm tư, tình cảm, thực hiện quyền trẻ em qua vấn đề các em đang quan tâm.
Tại diễn đàn, các em đã đặt ra nhiều câu hỏi, đưa ra những thông điệp thể hiện tiếng nói của mình, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương, các ngành, đoàn thể về những vấn đề liên quan đến trẻ em, như: Phòng, chống đuối nước; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; an toàn giao thông; bạo lực học đường; chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch Covid-19; giảm thiểu những tác hại xấu trên mạng xã hội…
Đại diện cho trẻ em huyện miền núi Khánh Sơn, em Mấu Thị Ngọc Bích mong muốn có một sân chơi an toàn, lành mạnh, cụ thể là nhà thiếu nhi. Bích bày tỏ: “Sân chơi cho trẻ không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi công cộng để chúng em chạy nhảy, chơi đùa…, mà bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển năng khiếu, nuôi dưỡng đam mê thông qua vui chơi, giải trí. Sau những giờ học mệt mỏi, áp lực học tập, trẻ em rất muốn được giải trí; vì vậy, việc có nhiều sân chơi cho trẻ em càng cần thiết hơn”.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hải – Phó Bí thư Tỉnh đoàn thông tin, năm 2023, UBND huyện Khánh Sơn sẽ tiến hành khởi công xây dựng Nhà Thiếu nhi huyện. Dự kiến, Nhà Thiếu nhi huyện sẽ có các khối phục vụ quần chúng, giải trí, triển lãm…, đặc biệt là các phòng luyện tập tổng hợp (múa, thể dục, thể hình…), phòng học, phòng dạy mỹ thuật… dành cho trẻ em.
Lấy ví dụ từ một bạn 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh bị mẹ kế bạo hành đến tử vong đã dấy lên nhiều dư luận và sự phẫn nộ trong thời gian qua, em Trần Trần Văn Thảo (thị xã Ninh Hòa) xúc động khi trình bày về vấn đề bạo hành trẻ em: “Đây là năm đầu tiên em tham gia diễn đàn, chủ đề em chọn là về bạo hành trẻ em. Em nghĩ mình nên góp một tiếng nói trong việc bảo vệ trẻ em, vì trẻ em là tương lai của đất nước, mỗi trẻ em có quyền sống và được hưởng sự yêu thương của mọi người”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Sơn – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác này; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em; kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị xâm hại, bạo lực. Ngoài ra, thông qua các hình thức truyền thông lưu động, sở thường xuyên tuyên truyền đến người dân về việc lên án mạnh mẽ khi phát hiện, thông tin, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Mỗi trẻ em nếu phát hiện hoặc rơi vào tình trạng bị xâm hại, bạo lực, hãy kịp thời lên tiếng, hãy chia sẻ vấn đề này với người thân hoặc liên hệ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hay các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý vụ việc. Đây cũng là một trong những kỹ năng để trẻ tự bảo vệ…
Ngoài hoạt động thảo luận nhóm, đối thoại trực tiếp giữa trẻ em và lãnh đạo các cấp, diễn đàn còn có các hoạt động như: Tuyên truyền, tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em; hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ; tổ chức giao lưu, kết bạn tạo không khí sôi nổi cho diễn đàn.
Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết, tham dự diễn đàn là những học sinh tiêu biểu, nòng cốt, đại diện cho tiếng nói của trẻ em ở đơn vị, địa phương nên các hoạt động của diễn đàn đã tạo điều kiện để trẻ chủ động, tự tin bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Thông qua đó, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ để cùng chia sẻ, giải quyết. Thời gian tới, để diễn đàn thực sự đổi mới và nâng cao chất lượng, các đơn vị, địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức diễn đàn. Sau diễn đàn, UBND các cấp cần có văn bản chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, giải quyết kiến nghị của trẻ em nhằm đảm bảo thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em.
MINH TÂM
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202208/noi-bay-to-tam-tu-cua-tre-8259995/