Xác định tầm quan trọng của nguồn thu vãng lai, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý nguồn thu này. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Số thu tăng khá
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, 10 tháng năm 2018, số thu vãng lai trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 180 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả trên là nhờ các phòng chức năng thuộc Cục Thuế tỉnh và các chi cục thuế đã tích cực khai thác nguồn thu vãng lai. Các đơn vị thường xuyên rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) có xây dựng vãng lai trên địa bàn thực hiện kê khai nộp số thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước kịp thời; nắm bắt tiến độ thi công của các công trình do những nhà thầu ngoài tỉnh thi công để đôn đốc…
Tại Chi cục Thuế huyện Cam Lâm, số thu từ hoạt động vãng lai tăng khá so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Chín – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cam Lâm cho biết, hiện nay, Chi cục Thuế huyện quản lý 18 DN hoạt động vãng lai. 10 tháng năm 2018, tổng số thu hoạt động vãng lai 11,4 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa cơ quan thuế và chủ đầu tư các dự án. Cụ thể, hàng tháng, chủ đầu tư dự án cung cấp tiến độ thi công, tiến độ thanh toán, danh sách các nhà thầu thi công mới phát sinh gửi cơ quan thuế để kịp thời quản lý, đôn đốc nhà thầu kê khai, nộp thuế vãng lai…
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý thu thuế hoạt động vãng lai còn gặp không ít khó khăn. Các nhà thầu thi công không phải do chi cục thuế quản lý trực tiếp nên một số DN không tự giác kê khai đầy đủ số thuế phát sinh trong kỳ. Một số trường hợp chậm nộp tờ khai thuế. Mặt khác, các DN vãng lai không có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thường chỉ có đại diện đơn vị thi công nên việc theo dõi, đôn đốc kê khai thuế gặp trở ngại. Một số DN thường né tránh giao dịch với cơ quan thuế. Có những DN nộp hồ sơ khai thuế nhưng không nộp số tiền thuế phát sinh, sau khi hoàn thành công trình rồi rút luôn, để lại nợ thuế. Một số đơn vị không kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi thi công mà chờ đến khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao để kê khai tại nơi đóng trụ sở chính.
Không chỉ vậy, việc cung cấp thông tin, hợp đồng xây dựng và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ngoài tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của các đơn vị mà chưa có quy trình nhằm kiểm soát, quản lý hiệu quả. Ngoài ra, cơ chế xử phạt các nhà thầu cố tình không cung cấp hợp đồng và kê khai nộp thuế khó triển khai vì các nhà thầu đều có trụ sở ngoài tỉnh. Biện pháp khấu trừ tại nguồn khi chi trả ngân sách không thể áp dụng nên một số nhà thầu trì hoãn không kê khai, nộp thuế theo quy định…
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng, các chi cục thuế tăng cường kiểm tra, quản lý thuế vãng lai, thu thuế nợ và thuế phát sinh. Đồng thời, đôn đốc các DN nộp thuế vãng lai vào ngân sách nhà nước kịp thời; nhắc nhở các DN nộp thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp qua kiểm tra thuế…
Cùng với đó, các chi cục thuế phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các bộ phận như: công an, địa chính, quản lý đô thị… chủ động phát hiện nguồn thu phát sinh khi xử lý công việc như: kinh doanh vãng lai, cá nhân có phát sinh thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, chống thất thu trong lĩnh vực xây dựng tư nhân. “Thời gian tới, Chi cục Thuế huyện Cam Lâm tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư dự án, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện quản lý tốt nguồn thu vãng lai. Chi cục thuế kiến nghị cấp trên bổ sung thêm quy định khi chủ đầu tư thanh toán cho các nhà thầu thi công sẽ trích lại 2% số thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng vãng lai và nộp thay các nhà thầu thi công, giống như các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Chín chia sẻ.
NGUYỄN KIM
Theo: Báo Khánh Hòa